Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều doanh nghiệp không biết dịch vụ phát triển kinh doanh
Theo Báo cáo Doanh nghiệp thường niên năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa được công bố, dịch vụ PTKD là một trong ba nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt được tiếp cận các dịch vụ PTKD lại không hề cao.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, gần 80% doanh nghiệp không biết hoặc biết nhưng chưa từng sử dụng các dịch vụ PTKD. Trong đó, dịch vụ kế toán, kiểm toán là dưới 65%, dịch vụ pháp lý ở mức 49%, dịch vụ quảng cáo là 46,2%, dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật là 30,1%, dịch vụ nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận là 23,3%.
Còn theo ông Trần Hữu Huỳnh, từ năm 2006 đến 2015, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, một chỉ số thành phần của PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chưa lần nào vượt qua con số 6%. Số doanh nghiệp chưa từng được hỏi ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dưới bất cứ hình thức nào chiếm tỷ lệ 66,5%. Số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào giai đoạn lấy ý kiến xây dựng văn bản pháp luật lại rất hạn chế, chỉ chiếm 28%...
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hầu hết các bộ, ngành đều có tổ chức điều phối các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhưng định mức thực hiện còn cứng nhắc, hoạt động hỗ trợ thiếu linh hoạt, sáng tạo, chồng chéo, trùng lặp và các nhà cung cấp tư nhân ít được tham gia thiết kế và hưởng lợi từ chương trình cũng như cung cấp dịch vụ.
Nên để tư nhân cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh
Để nâng đỡ doanh nghiệp trong nước, bà Hằng đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện triệt để việc cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện các phương thức hỗ trợ DNNVV thông qua phát triển thị trường dịch vụ PTKD. Trong đó, theo bà Hằng, để việc cải thiện môi trường kinh doanh, Nhà nước phải đảm bảo việc phát triển các thị trường yếu tố sản xuất một cách lành mạnh, linh hoạt, giảm thiểu chi phí giao dịch; tăng cường các biện pháp, chính sách trợ giúp các DNNVV như ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, triển khai Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV…
Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, bà Hằng cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường chủ động tìm hiểu về các dịch vụ PTKD và sử dụng thử; phải xác định rõ được nhu cầu của mình về các dịch vụ PTKD; sẵn sàng nguồn lực để chi trả cho các dịch vụ cần thiết… Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần phát triển dịch vụ theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ có chất lượng.
Trả lời câu hỏi chúng ta cần làm gì để tăng tính liên kết chuỗi giá trị toàn cầu nói chung và sử dụng dịch vụ PTKD, ông Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh: “Nguồn lực Nhà nước là có hạn, do đó, Nhà nước chỉ nên tập trung vào kiến tạo các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và giám sát thực hiện, chứ không thể ôm đồm hết tất cả. Cả nước hiện có 10.000 luật sư nhưng chỉ có 30% sống được với nghề. Do đó, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các dịch vụ PTKD phát triển. Trong bối cảnh hội nhập và điều kiện cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp không có sự hỗ trợ tốt về pháp luật, kế toán, kiểm toán thì không thể tồn tại được, nguy cơ càng ngày càng nhỏ lại là hiện hữu”.