Chính sách không ổn định ảnh hưởng đến chủ trương đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Đức Thanh |
Quan ngại về thay đổi chính sách thường xuyên
Tại Hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" diễn ra ngày 7/12, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội đã bày tỏ quan ngại về những thay đổi gần đây trong chính sách của Việt Nam.
Cụ thể, đại diện AmCham cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là thực tế không thông dụng và không được khuyến khích.
Đại diện AmCham cũng bình luận, khi tiến hành thực hiện Bộ luật Dân sự mới, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định mới tạo ra những thách thức đáng kể cho các DN nước ngoài. Đơn cử như Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư số 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Thông tư 39/2016/TT-NHNN còn hạn chế khả năng tài trợ linh hoạt và hợp lý thông qua các cơ sở không cam kết, ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong nước hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.
Ở lĩnh vực dược phẩm, ông Lê Nết, đại diện Tiểu ban Y tế thuộc AmCham cho rằng, Luật Dược mới có rất nhiều điểm tiến bộ. Thế nhưng, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược, khiến một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển, dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, quá trình thay đổi chính sách và luật pháp về thu hút đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã nảy sinh những khiếm khuyết. Cụ thể là có lúc, sự thay đổi một số chủ trương của Nhà nước và tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong chính sách và luật pháp gây ra tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư do khó dự đoán khi quyết định phương hướng đầu tư và kinh doanh. Điển hình là chủ trương cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ vào cuối thập niên 90 đã làm phá sản hàng chục DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đối với sản xuất rượu, bia, nước giải khát, có lúc thì cho, có lúc thì hạn chế FDI… Dẫn kết quả thu được từ các điều tra, khảo sát liên quan, ông Mại cho biết, các DN FDI khá quan ngại về tính ổn định của pháp luật, nhất là khi luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm cho DN không kịp trở tay.
3 giải pháp loại bỏ khiếm khuyết trong chính sách, pháp luật
Ông Nguyễn Mại đề xuất 3 giải pháp loại bỏ khiếm khuyết trong chính sách để Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI ngày càng chất lượng cũng như tạo dựng niềm tin để nhà đầu tư yên tâm đầu tư.
Thứ nhất là khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Theo đó, hệ thống văn bản pháp quy từ luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ phải đồng bộ, nhất quán, được ban hành với một thời gian đủ dài trước thời hạn có hiệu lực thi hành để DN tiếp cận đầy đủ thông tin, chuẩn bị điều kiện thi hành.
Thứ hai là thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN. Các mô hình thí điểm đã bước đầu đem lại hiệu quả như: Trung tâm hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... cần áp dụng ở tất cả các tỉnh, thành phố để tạo ra bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba là cởi bỏ hai “nút thắt” cản trở sự phát triển của Việt Nam là bộ máy nhà nước cồng kềnh và đội ngũ công chức, viên chức thiếu năng lực.