Các tổ chức tín dụng cần đưa ra những gói vay dài hạn nhằm cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ. Ảnh: Lê Tiên |
Còn nhiều lực cản
Theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ của Việt Nam hiện chỉ ở mức 10% (thấp hơn nhiều so với con số trung bình 40% của các nước đang phát triển). Trong đó, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước và 75% máy móc đã hết khấu hao.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2015 cũng cho thấy, DN trong nước, đặc biệt là các DNNVV, vẫn đang sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu đến 2 - 3 thế hệ. Trong đó, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang. Chỉ có khoảng 8% số DNNVV đạt trình độ công nghệ tiên tiến, mà chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, sự yếu kém trong cải tiến công nghệ của các DNNVV bắt nguồn từ các yếu tố chi phối đến khả năng đổi mới của DN như quy mô nguồn lực của DN, đặc điểm của chủ DN, cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo.
Bởi công nghệ không được coi là lĩnh vực ưu tiên khi bắt đầu kinh doanh, do đó, DN thiếu bài bản và tầm nhìn trong phát triển công nghệ, thiếu sự đầu tư một cách đồng bộ dẫn đến tốn kém và mất thời gian để chuyển đổi công nghệ, khó tăng quy mô sản xuất.
Các DN có thể nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nhưng khi đối mặt với những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì bản thân các DNNVV cho rằng, công nghệ là vấn đề nhưng không cần được ưu tiên đầu tư.
Những năm gần đây, nhiều DNNVV đã coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp với khát vọng lập nghiệp trong ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ tiên tiến được một số quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hỗ trợ vốn và hướng phát triển.
Tuy nhiên, theo TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, vẫn còn không ít lực cản đối với DN Việt Nam. DN Việt Nam phần lớn quy mô quá nhỏ nên không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, lại chưa nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ tín dụng ngân hàng, quỹ hỗ trợ của Nhà nước, từ các DN lớn khi tham gia chuỗi giá trị.
Thừa hưởng công nghệ hiện đại với chi phí thấp
Nếu như trước đây, các DNNVV thường nhìn nhận công nghệ là điểm yếu của mình thì trong thời đại CMCN 4.0, DNNVV hoàn toàn có thể thừa hưởng công nghệ hiện đại với chi phí rất thấp, cũng như có thể dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
TS. Đặng Đức Anh phân tích, với các tiến bộ về công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, các DNNVV có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đổi mới công nghệ của DN như tuổi, giới tính, loại hình DN. Các đặc điểm của DN như quy mô vốn, quy mô lao động, thời gian hoạt động, mối quan hệ với DN cùng ngành/DN nhà nước đều có tác động tới quyết định đổi mới công nghệ của DN.
Vai trò của liên kết ngành và tiếp cận vốn đối với khả năng đổi mới công nghệ của DN cũng được đánh giá khá quan trọng. Do đó, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, thúc đẩy liên kết DN và tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận vốn đối với DNNVV là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay của nền kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn trên cần sự kết hợp đồng bộ của Chính phủ, các tổ chức tín dụng và DN.
Theo một số chuyên gia, các tổ chức tín dụng cần tạo hệ thống kết nối dữ liệu về DNNVV cũng như xây dựng những tiêu chí đặc thù đối với các khoản vay của DNNVV. Những gói vay với mức lãi suất phù hợp và loại hình đa dạng cần được áp dụng đối với DNNVV dựa trên từng loại dự án, đồng thời cần đưa ra những gói vay dài hạn hơn nhằm cho phép các DN này đầu tư đổi mới công nghệ.
Với các DNNVV, cần mở rộng quan hệ với DN trong ngành và với khu vực công. Việc mở rộng hợp tác, quan hệ với DN cùng ngành không chỉ giúp DN có thêm thông tin kinh doanh mà còn giúp mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận.
Các DNNVV cũng nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Theo đó, DN có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư.