Doanh nghiệp sản xuất urê đặt mục tiêu thận trọng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau năm 2020 tăng trưởng cao bất chấp dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất phân urê sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào đang lên kế hoạch thận trọng cho năm 2021 trong bối cảnh giá khí đốt tăng.
Giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới hiện được giao dịch ở mức trên 2,7 USD/MMBtu
Giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới hiện được giao dịch ở mức trên 2,7 USD/MMBtu

Lợi nhuận năm 2020 tăng vọt

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, ngoài Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), còn có 3 nhà máy khác sản xuất phân urê là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, chỉ có Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào, 2 nhà máy còn lại sử dụng than làm nguyên liệu chính.

Trong khi đó, các nhà sản xuất phân lân và phân NPK sử dụng nguyên liệu từ quặng apatit, phân urê, phân lân và phân kali. Vì vậy, nhìn chung, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ là 2 đối tượng chịu tác động trực tiếp từ giá khí tự nhiên. Các doanh nghiệp còn lại có thể chịu tác động gián tiếp nhưng không thực sự rõ ràng.

Dưới tác động của Covid-19, giá khí giảm mạnh là yếu tố quan trọng giúp Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ hưởng lợi trong năm vừa qua.

Số liệu được ban lãnh đạo Đạm Cà Mau công bố vào cuối tháng 12/2020 cho thấy, sản lượng tiêu thụ urê năm 2020 ước đạt 930.650 tấn, vượt 7% kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng xuất khẩu đạt gần 300.000 tấn, trong đó thị trường Campuchia tăng 32% so với năm 2019, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Brasil...

Doanh thu năm 2020 của Công ty ước đạt 7.256 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm 2019 nhưng lợi nhuận trước thuế ước đạt 657 tỷ đồng, tăng 42%. Lãnh đạo Đạm Cà Mau lý giải, có được kết quả này là nhờ tận dụng lợi thế giá khí thấp, giảm chi phí giá thành, cộng với sản phẩm tiêu thụ tốt.

Trong khi đó, chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ cho biết, sản lượng urê sản xuất ước đạt 868.000 tấn, bằng 111% so với kế hoạch, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 807.000 tấn, vượt 3% kế hoạch.

Với tình hình tiêu thụ như vậy, Đạm Phú Mỹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 đạt 840 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch, số tiền nộp ngân sách nhà nước cũng vượt 75% kế hoạch, đạt 279 tỷ đồng. Như vậy so với con số 467 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2019, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong năm 2020.

Giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021

Năm 2021, 2 doanh nghiệp trên đều đưa ra kế hoạch thận trọng. Trong đó, Đạm Phú Mỹ dự kiến tổng doanh thu đạt 8.331 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 437 tỷ đồng, giảm đến 48% so với kết quả thực hiện năm 2020, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của doanh nghiệp này.

Đối với Đạm Cà Mau, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến trong năm 2021 ở mức 1.137 nghìn tấn, trong đó sản phẩm chính phân urê ước tiêu thụ 790,8 nghìn tấn, giảm 15% so với năm 2020. Tổng doanh thu dự kiến đạt 7.838 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt ở mức 210 tỷ đồng và 197,3 tỷ đồng. So với năm 2020, con số lãi trước thuế dự kiến năm 2021 của Đạm Cà Mau chỉ bằng 1/3.

Kế hoạch thận trọng của 2 doanh nghiệp trên được đưa ra trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào khí đốt đang có xu hướng tăng. Giá khí đốt tự nhiên từ mức thấp kỷ lục 1,4 - 2 USD/MMBtu (1 triệu Btu) trong 8 tháng đầu năm 2020 hiện được giao dịch với mức giá trên 2,7 USD/MMBtu.

Bà Đỗ Hồng Vân, Chuyên viên phân tích cao cấp Khối Dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup, cho biết, ngành phân bón trong năm 2020 đã được hưởng lợi từ việc các nhà máy ở Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động do Covid-19, qua đó thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành này cũng được hưởng lợi từ mức giá thấp của nguyên liệu đầu vào là khí đốt. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi giá khí tăng và các nhà máy ở Trung Quốc quay trở lại hoạt động bình thường, doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ khó tận dụng cơ hội như năm 2020.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đào Phúc Tường - nguyên Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS (Singapore) cho biết, năm 2021 là năm khó khăn về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty phân bón, dù rằng ngành này có thể sẽ được hưởng lợi từ khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Tin cùng chuyên mục