Doanh nghiệp thép dần hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn khó khăn nửa cuối năm 2022, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thép đang dần hồi phục. Tuy nhiên, ngành thép được dự báo vẫn chưa hết khó khăn do sự ảm đạm của thị trường bất động sản và áp lực có thể được giảm bớt từ các tháng cuối năm.
Giá thép giảm thời gian gần đây do lĩnh vực bất động sản còn nhiều khó khăn, hoạt động xây dựng hạn chế. Ảnh: Nhã Chi
Giá thép giảm thời gian gần đây do lĩnh vực bất động sản còn nhiều khó khăn, hoạt động xây dựng hạn chế. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều doanh nghiệp trên đà hồi phục

Kết thúc quý II/2023, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 29.800 tỷ đồng doanh thu và 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tương ứng 21% và 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điểm tích cực của doanh nghiệp này là sự hồi phục từng quý. Nếu như trong 2 quý cuối năm ngoái, Hòa Phát lần lượt lỗ 1.299 tỷ đồng và 2.078 tỷ đồng, thì sang quý đầu năm nay đã có lãi 532 tỷ đồng.

Hòa Phát cho biết sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép trong tháng 7 đạt 555.000 tấn, tăng 3% so với tháng trước và là mức tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thép Nam Kim sau 3 quý lỗ liên tiếp đã báo lãi trước thuế 166,6 tỷ đồng trong quý II/2023. Doanh thu bán hàng trong quý II/2023 của Nam Kim ở mức 5.003 tỷ đồng, tăng mạnh so với 3 quý trước đó. Hay trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên, sau quý IV/2022 lỗ 126,6 tỷ đồng thì đã có lãi trở lại trong quý I/2023 (8,1 tỷ đồng), quý II/2023 (7 tỷ đồng).

Trong khi một số doanh nghiệp có sự hồi phục nhẹ thì nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang xoay vần trong khó khăn. Đơn cử trường hợp của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), quý II/2023, việc phải ghi nhận khoản lỗ gần 324 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết đã khiến VNSteel báo lỗ sau thuế 284 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 40 tỷ đồng trong quý II/2022. Hay như trường hợp của Công ty CP Thép POMINA lỗ trước thuế 350 tỷ đồng trong quý II/2023, kéo dài 5 quý lỗ liên tiếp kể từ quý II/2022.

Lợi nhuận trước thuế theo quý của một số doanh nghiệp thép

Lợi nhuận trước thuế theo quý của một số doanh nghiệp thép

Khó khăn vẫn ở phía trước

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Singapore, giá quặng sắt niêm yết tiếp tục giảm trong 2 tuần trở lại đây, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8 ở mức 100,44 USD/tấn, thấp hơn 20% so với mức đỉnh trong năm vào tháng 3/2023. Giá thép cuộn cán nóng cũng quay đầu suy yếu trở lại trong 2 tuần gần đây, sau đà tăng nhẹ vào giữa tháng 7/2023, hiện giao dịch quanh mốc gần 4.000 NDT/tấn, thấp hơn khoảng 12% so với mức đỉnh tháng 3/2023. Giá thép cây thế giới cũng giảm nhẹ.

Trên thị trường nội địa, ngày 9/8, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cây D10 CB300 sau gần 3 tuần đi ngang. Cụ thể, đối với miền Bắc, giá thép D10 CB300 được điều chỉnh giảm khoảng 100 đồng/kg xuống 13.790 đồng/kg, ghi nhận lần giảm giá thứ 15 liên tiếp kể từ tháng 4. Giá thép cuộn CB240 duy trì xu hướng đi ngang, ở mức 13.740 đồng/kg. Giá thép tiếp tục xu hướng giao dịch ở mức đáy trong vòng 3 năm qua.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, nguyên nhân giá thép giảm thời gian gần đây chủ yếu là do nhu cầu trong nước thấp khi lĩnh vực bất động sản còn nhiều khó khăn, hoạt động xây dựng hạn chế trong mùa mưa. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng gặp phải thách thức bởi rào cản kỹ thuật cũng như nhu cầu hạn chế tại các nước nhập khẩu hàng đầu như châu Âu, Mỹ.

“Áp lực có thể giảm bớt vào các tháng cuối năm, khoảng từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi các dự án gấp rút hoàn thành tiến độ. Các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội, đặc biệt là những công trình hạ tầng giao thông vận tải… sẽ góp phần giải tỏa một phần bài toán tiêu thụ cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, một số lò cao tạm dừng để bảo trì cũng sẽ hạn chế nguồn cung. Trong điều kiện đó, giá sắt thép có thể sẽ lấy lại một số động lực phục hồi”, ông Phạm Quang Anh phân tích.

Tin cùng chuyên mục