Trong lĩnh vực điện khí LNG, có một số dự án đang “giậm chân tại chỗ”. Ảnh minh họa: Tường Lâm |
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu với Việt Nam. Chính phủ xác định phát triển năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề cấp thiết với việc đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm nay, không ít dự án điện không được phê duyệt, không thể triển khai do gặp vướng mắc.
“2 - 3 năm nay, chúng ta nói về đầu tư dự án điện khí LNG, nhưng trên thực tế hiện chỉ có duy nhất dự án của Tập đoàn AES được phê duyệt, một số dự án khác vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…) phải ngồi lại với nhau, đặt mình vào địa vị DN để đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt các dự án điện. Nếu tình hình này kéo dài sẽ khiến các nhà đầu tư nản lòng”, ông Thành quan ngại.
Đề cập về vướng mắc cụ thể mà các nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng Hoa Kỳ đang gặp phải, ông Thành chỉ ra, đó là quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án điện của các cơ quan trung ương rất lâu. Thủ tục phê duyệt phức tạp với nhiều khâu, trong đó có yêu cầu không phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, theo ông Thành, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam, trong đó có lĩnh vực năng lượng, nhờ kết quả tích cực trong việc chống dịch thời gian qua.
“Đầu tháng 3/2020, chúng tôi đã đưa một đoàn DN lớn với hơn 45 công ty Hoa Kỳ đến thăm và làm việc tại Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đưa nhiều hơn nữa các DN Hoa Kỳ tới Việt Nam”, ông Thành cho biết.
Chia sẻ cơ hội thị trường với các DN Việt Nam, ông Thành nhấn mạnh, hiện Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ và Tập đoàn Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (vừa được thành lập) có nguồn tài chính hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ cho các đối tác của các công ty Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, DN Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện là đối tác của các công ty Hoa Kỳ có thể tận dụng cơ hội này để vay vốn mua LNG cũng như các thiết bị với mức giá tốt nhất từ Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại.
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư vào lĩnh vực năng lượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong kiến nghị gửi đến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2020 cuối tuần trước, các DN năng lượng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép DN đầu tư vào lĩnh vực năng lượng được giảm yêu cầu về vốn tự có khi vay vốn (hiện là 30 - 40%, giảm xuống 15 - 20%) để có thể đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là điện gió, điện mặt trời.
Bên cạnh đó, các DN năng lượng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc thẩm định và phê duyệt quy hoạch điện gió để kịp triển khai theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ xem xét gia hạn thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đến hết ngày 31/12/2023 vì nhiều dự án đang chậm tiến độ do thủ tục về quy hoạch và giải phóng mặt bằng kéo dài, các nhà cung cấp tuốc bin gió từ châu Âu đang tạm dừng sản xuất, chuyên gia nước ngoài khó khăn trong việc đi lại và nhập cảnh vào Việt Nam...