Doanh nghiệp tư nhân tích cực cải thiện vị thế

(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2019, các nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân đặt ra tại Nghị quyết số 98/NQ-CP tiếp tục được triển khai tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm để nâng cao vị thế, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa và trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Lê Tiên
Trong những năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Lê Tiên

Đóng góp 44,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến cuối năm 2018, số lượng các cơ sở kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân (gồm các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh cá thể) đạt khoảng 6 triệu đơn vị với gần 715 nghìn DN, chiếm khoảng 11% tổng số cơ sở kinh doanh. Trung bình, trong giai đoạn 2011 - 2018, mỗi năm số cơ sở kinh doanh trong khu vực tư nhân tăng khoảng 3,4%.

Trong khối DN tư nhân, tỷ lệ thuộc nhóm quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97 - 98%; đa phần các cơ sở kinh doanh thuộc khu vực hộ kinh doanh có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn và đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, công nghệ cao, chế tạo kỹ thuật cao... Theo thống kê, hiện có 9/29 DN Việt Nam có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD thuộc khu vực tư nhân. Một số DN điển hình như: Vingroup, Masan, Vietjet, Trường Hải, Novaland, Hòa Phát... 

Đóng góp của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn. Năm 2018, kinh tế tư nhân chiếm 38,3% GDP, là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ba khu vực (nhà nước, tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài).

Đóng góp trong đầu tư phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng về tỷ trọng, năm 2019 chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (năm 2018 là 43,3% và năm 2017 là 40,6%), và là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (kinh tế nhà nước chiếm 32,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,8%).

Sự phát triển của khối DN tư nhân có phần hỗ trợ từ các chính sách cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân đặt ra tại Nghị quyết số 98/NQ-CP. Trong đó triển khai tích cực, tập trung vào 3 nhóm chủ trương chính sách lớn gồm: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước... 

Còn một số tồn tại

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại trong phát triển kinh tế tư nhân. Cụ thể, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong xuất khẩu; năng lực khoa học - công nghệ còn thấp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế...

Bộ KH&ĐT cho biết, sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn khá phổ biến. Khu vực tư nhân có ít cơ hội tiếp cận nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên. Điều này lại càng thể hiện rõ nét với các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ của khối tư nhân.

Từ các kết quả đã đạt được, cùng các tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua, Bộ KH&ĐT kiến nghị, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra, đặc biệt là những giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các DN. Thông qua sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật như Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý thuế, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014... và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể và minh bạch; có tính khả thi cao và dễ thực hiện.

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống.

Tin cùng chuyên mục