Ảnh Internet |
DN vẫn khó nhiều bề
Bà Phạm Chi Lan thông tin, số lượng DN ngừng hoạt động trong năm 2015 đã lên mức kỷ lục mới mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được cho là có sự cải thiện. Thực tế, số DN chết vẫn tăng lên trong khi kinh tế vẫn có sự tăng trưởng. Trong khi sức khỏe của DN vẫn được cho là sức mạnh của nền kinh tế, nhưng tại sao kinh tế có sự tăng trưởng mạnh nhưng DN vẫn giải thể nhiều hơn, ọp ẹp hơn? “Tôi không giải thích nổi” – bà Lan nói.
Mặt khác, năm 2015 có số lượng DN thành lập mới được cho là chạm mốc kỷ lục nhưng con số thu ngân sách nhà nước trong năm này chủ yếu vẫn là sự đóng góp của các DN đang hoạt động, bởi số DN mới ra đời “chưa kịp đóng góp vào ngân sách, chưa kịp đóng góp vào tăng trưởng”. Và như vậy, gánh nặng của ngân sách để đỡ bị hụt thu thì vẫn đè vào những DN đang tồn tại.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, DN đóng góp tới 40,8% lợi nhuận cho Nhà nước thông qua thuế, lệ phí. Trong khi đó, theo bà Lan, Nhà nước không thực sự có động lực để giảm các loại phí, lệ phí, chi phí cho người dân, DN. Cùng với đó, gánh nặng từ bảo hiểm cũng đang đè nặng thêm lên vai của DN.
Kinh tế tư nhân đang bị chèn lấn ra sao?
Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam: Kết quả 2015 và triển vọng 2016 được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây đã chỉ ra một sự chèn lấn tín dụng nhắm vào khu vực tư nhân.
Theo đó, trong năm 2016, kế hoạch trả nợ là khoảng 110.000 tỷ đồng, riêng quý I/2016 trả khoảng 55.000 tỷ đồng, dự kiến phát hành khoảng 76.000 tỷ đồng trái phiếu. “Rõ ràng, số thu từ phát hành trái phiếu sau khi trả nợ sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cho đầu tư. Chúng ta vay chủ yếu để đảo nợ nên hiệu quả của trái phiếu là vấn đề rất đáng quan tâm. Trong khi vốn giá rẻ, lãi suất thấp đáng lẽ dùng cho khu vực tư nhân đầu tư sản xuất lại đang dành cho Chính phủ vay dài hạn”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô thuộc CIEM thông tin.
Bình luận về nội dung này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, huy động trái phiếu chính phủ đang chèn lấn tín dụng khu vực tư nhân. Chúng ta vẫn nói khi đòi hỏi môi trường kinh doanh bình đẳng là để có sự bình đẳng giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực doanh nghiệp nhà nước, giữa đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh đang chịu sự chèn lấn của DNNN và DN FDI bởi chính những cơ chế do Nhà nước tạo ra cho họ. Song theo bà Lan, Nhà nước với vai trò trọng tài không những không giải tỏa được áp lực này, mà còn vào cuộc cùng, trở thành ông “đại gia” thứ 3 chèn lấn. Và với 3 ông “đại gia” cùng chèn thì doanh nghiệp chết đi là phải thôi.
Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, có nhiều yếu tố đang chèn lấn khu vực tư nhân, trong đó có sự bành trướng của DNNN. Số lượng DNNN đã thực hiện cổ phần hóa đạt tỷ lệ rất cao nhưng tỷ lệ sở hữu vốn thực tế của Nhà nước trong các DN cổ phần này vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, không tạo được động lực đổi mới đối với khu vực DN này. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã hình thành, các DN Thái Lan đang có xu hướng mua các nhà phân phối của Việt Nam và chuyển hàng Thái vào thị trường nội địa. Cùng với đó, khu vực DNNN vẫn còn rất lớn. “Những yếu tố này gây chèn ép, bóp nghẹt khu vực DN tư nhân Việt Nam…; lãi suất cho vay vẫn cao và khu vực DN trong nước đang yếu đi, đó là điều rất đáng lo ngại” – ông Trương Đình Tuyển băn khoăn.