Doanh nghiệp tự tin về mục tiêu xuất khẩu 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2025 là 12%, phấn đấu tăng trưởng 14% trong điều kiện thuận lợi. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mục tiêu rất thách thức, song về cơ bản vẫn có cơ sở để thực hiện chỉ tiêu này.
Nhiều doanh nghiệp tiên phong chuyển dịch xanh, “đi tắt, đón đầu” trong thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp tiên phong chuyển dịch xanh, “đi tắt, đón đầu” trong thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Mục tiêu cao, thách thức lớn

Nhấn mạnh năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, làm tiền để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo đó, trên cơ sở tăng trưởng ấn tượng XK của năm 2024 (tổng kim ngạch hơn 400 tỷ USD), tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng XK 12%, phấn đấu tăng trưởng 14% trong điều kiện thuận lợi.

Nhìn vào chỉ tiêu này, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là chỉ tiêu cao, khá thách thức trong bối cảnh hiện nay khi mà tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều, rủi ro gia tăng…

Trên cơ sở tăng trưởng XK ấn tượng của năm 2024 (tổng kim ngạch hơn 400 tỷ USD), tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng XK 12%, phấn đấu tăng trưởng 14% trong điều kiện thuận lợi.

Từ góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam nhìn nhận, chỉ tiêu tăng trưởng XK 12% năm 2025 là rất thách thức, nhất là đối với ngành nhôm bởi một số lý do chính. “Nguồn cung hiện không đều, thường hay bị gián đoạn do ảnh hưởng của xung đột quân sự, cấm vận… tại một số nền kinh tế. Hơn nữa, giá cả hàng hóa cũng biến động thất thường và sức cầu mặt hàng này trên thị trường thế giới giảm sút”, ông Kế bày tỏ.

Đại diện Công ty CP Phúc Sinh, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho XK nông sản Việt Nam hàng chục năm qua cũng nhận xét, mục tiêu tăng trưởng XK 12% và phấn đấu 14% là một thách thức lớn.

Bộ Công Thương nhận định, năm 2025 là năm bối cảnh thế giới tiếp tục có những chuyển biến lớn, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, có thể ảnh hưởng đến hoạt động XK của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhưng Việt Nam có cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng XK cao hơn trong năm 2024. Do đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng XK 12% dựa trên những kết quả tích cực trong hoạt động XK năm 2024 và dự báo tình hình thị trường thời gian tới.

Bộ Công Thương nhận thấy, bên cạnh khó khăn, thách thức, nước ta có nhiều yếu tố thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng XK cao trong năm 2025, nhất là việc nước ta tiếp tục thuận lợi trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời sức cầu thế giới trên đà phục hồi, nhiều ngành XK tăng trưởng mạnh mẽ trở lại…

Doanh nghiệp vào cuộc, hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu

Mặc dù chỉ tiêu cao, song một số ý kiến cho rằng, Việt Nam có cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ giao năm 2025. “Mục tiêu tăng trưởng XK 12% và phấn đấu 14% là một thách thức lớn, nhưng không phải là điều không thể”, đại diện Phúc Sinh nhấn mạnh và cho biết, DN hoàn toàn ủng hộ tầm nhìn của Chính phủ và tin tưởng rằng, với những chiến lược đúng đắn cùng sự nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ đưa mục tiêu về đích kế hoạch.

Phân tích thêm, TS. Lê Quốc Phương chỉ ra, năm 2024, kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã tiên phong chuyển dịch xanh, “đi tắt, đón đầu” trong thúc đẩy XK hàng hóa, kết quả XK của nước ta rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh XK hàng hóa và cho biết, họ đã có đơn hàng XK tới hết quý I, thậm chí quý II/2025… “Với nền tảng này, mục tiêu tăng trưởng XK 12% năm 2025 có thể đạt được”, ông Phương nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam thì kỳ vọng, ít ngày nữa, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ bắt đầu, dự kiến áp thuế cao đối với hàng hóa từ châu Âu, Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nhưng đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh XK vào thị trường lớn này.

Khảo sát một số doanh nghiệp cho thấy, mục tiêu đặt ra cho năm 2025 đều khá tham vọng. Với Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, bằng tinh thần vượt khó, May 10 quyết tâm đạt thành tích cao với doanh thu đạt 5.5055 tỷ đồng, lợi nhuận 135 tỷ đồng. Công ty CP Phúc Sinh đặt mục tiêu tăng trưởng XK ở mức 15 - 20% trong năm 2025, cao hơn chỉ tiêu chung của Chính phủ. “Chỉ tiêu không chỉ lớn về con số mà còn là cam kết của chúng tôi trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng tầm nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới”, lãnh đạo Phúc Sinh nhấn mạnh.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp chính đó là, thúc đẩy XK; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đẩy mạnh XK vào các thị trường lớn, chủ lực; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng…

Tin cùng chuyên mục