Ảnh Internet |
Gánh nặng phí BOT
Trong kiến nghị mới nhất gửi đến Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về những khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng hoá, các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hoá tại TP.HCM phản ánh tình trạng ngoài việc phải đóng phí sử dụng đường bộ, xe lưu thông đường tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai vẫn tiếp tục đóng phí giao thông đường bộ cho các trạm thu phí BOT với mật độ dày đặc, được bố trí theo kiểu “vây bắt”.
Chính vì phí đường bộ tăng cao đã khiến chi phí vận tải của DN tăng, kéo giá cả hàng hóa tăng theo. Theo tính toán của các DN vận tải tại TP.HCM, hiện nay chi phí giao thông đường bộ áp dụng cho cả lượt đi, lượt về qua các trạm BOT cho tuyến đường từ Cảng Quận 7 (TP.HCM) đi Vũng Tàu là 800.000 đồng/chuyến. Trong khi đó, chi phí nhiêu liệu vào khoảng 750.000 đồng/chuyến. Riêng Cảng Quận 7 đi Biên Hoà (Đồng Nai) chi phí đi qua các trạm BOT là 560.000 đồng/chuyến. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu vào khoảng 437.500 đồng/chuyến. Như vậy, chi phí giao thông đường bộ để xe qua các trạm BOT cao hơn chi phí nhiên liệu cung cấp cho xe vận hành trên các lộ trình nói trên đang thực sự là gánh nặng cho các DN vận tải.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho rằng, điều bất cập là chủ các phương tiện giao thông đã nộp phí bảo trì đường bộ, lại phải nộp thêm phí ở các trạm thu phí BOT. Do vậy, việc phát sinh nhiều trạm thu phí sẽ gây bức xúc, do phải nộp quá nhiều loại phí cho cùng một mục tiêu.
Được biết, trong Quy hoạch mạng lưới trạm thu phí hoàn vốn các dự án giao thông trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, bao quanh các cửa ngõ TP.HCM sẽ có khoảng 20 trạm thu phí, tăng gần gấp 3 lần so với hiện nay (có 7 trạm thu phí). Giới DN vận tải quan ngại nếu 20 - 30km có một trạm thu phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian và giá thành vận tải.
Quá sức với doanh nghiệp vận tải
Trên thực tế, mỗi đầu xe vận tải trung bình mỗi năm chỉ hoạt động 9 tháng (275 ngày), còn lại khoảng 90 ngày phải ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân như bảo trì, bảo dưỡng, xe nghỉ trong các ngày lễ, ngày cuối tuần… Đó là chưa nói đến việc DN gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, tạm ngưng lưu hành xe… nhưng vẫn phải đóng phí, vẫn bị truy thu khi đưa phương tiện đi kiểm định lại. Điều này rõ ràng là không phù hợp, gây khó cho DN.
Các DN vận tải hàng hoá tại TP.HCM đã đồng kiến nghị Chính phủ về việc giảm mức phí bảo trì đường bộ áp dụng cho các phương tiện vận tải hàng hoá bằng ô tô. Đồng thời, cho phép các phương tiện vận tải không có hàng hoá hoặc vì nhiều lý do khác mà hết thời hạn đăng kiểm nhưng DN không đưa phương tiện đi đăng kiểm kỳ tiếp theo (nghĩa là tạm thời DN không có nhu cầu sử dụng) khi đi kiểm định trở lại sẽ không bị truy thu phí bảo trì đường bộ.