Sự xuất hiện của Uber và Grab đã làm rung chuyển taxi truyền thống. Ảnh: Quý Đức |
Sức ép thay đổi
Theo một số chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam theo hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang hình thành. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc chưa có định hướng phát triển rõ ràng về ứng dụng công nghệ số về giao thông đã dẫn đến sự bị động, không đánh giá được những tác động khi ứng dụng trên các phương diện của đời sống xã hội. Thực tiễn cho thấy, khi taxi công nghệ Uber và Grab chính thức vào Việt Nam, tuy mới chỉ có ứng dụng gọi xe qua Internet (sử dụng smartphone) thay cho gọi qua tổng đài nhưng cách thức này đã làm thay đổi, rung chuyển nhiều hãng taxi truyền thống. Sự đổi mới trong cách thức hoạt động của loại hình vận tải này đã dẫn đến cạnh tranh gay gắt, gây mất trật tự xã hội.
Bên lề Hội thảo “Đấu thầu trực tuyến - Giải pháp cho ngành vận tải trong thời đại 4.0” vừa được tổ chức hôm 29/11, ông Bùi Danh Liên, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng CNTT là yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp vận tải. Thực tiễn cho thấy, ngay sau khi bị cạnh tranh gay gắt bởi Uber và Grab, các hãng taxi truyền thống cũng đã tung ra các ứng dụng đặt xe qua Internet nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải nhận định, đây chỉ là giải pháp tình thế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, và lĩnh vực vận tải cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, muốn ứng dụng được thì nền tảng công nghệ phải tốt, kèm theo đó người sử dụng cũng cần phải tăng cường hiểu biết.
Đấu thầu để cạnh tranh
Ông Đỗ Khắc Hà, Tổng giám đốc Công ty Viladata cho biết, Hệ thống hướng tới việc tìm kiếm, kết nối nhu cầu đi lại, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa giữa nhà cung cấp dịch vụ và người dùng được thuận tiện, minh bạch, tận dụng các nguồn lực dư thừa trong xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá thành vận chuyển. Việc này còn giúp các doanh nghiệp vận tải nâng cao khả năng ứng dụng CNTT vào quá trình hoạt động kinh doanh.
Ứng dụng nêu trên cho phép khách hàng có nhu cầu di chuyển, vận chuyển hàng hóa, bốc dỡ… thực hiện đăng thông tin dưới hình thức các gói thầu, nhà cung cấp vận tải tìm kiếm và xem xét được các thông tin về gói thầu đã đăng và nộp hồ sơ dự thầu. Sau khi được khách hàng chấm thầu các đề xuất của các nhà vận chuyển, việc ký kết hợp đồng sẽ được thực hiện dưới hình thức trực tuyến và thực hiện chuyến đi, đồng thời thực hiện các giao dịch thanh toán cho gói thầu.
Nói cách khác, TransTender đóng vai trò là một sàn giao dịch online giữa người có nhu cầu vận chuyển và nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển dưới hình thức đấu thầu với môi trường cạnh tranh, văn minh, bình đẳng. Riêng với việc tham gia đấu thầu trên TransTender, nhà vận chuyển sẽ phải qua các bước xét duyệt về phương tiện và tài xế cùng với các đánh giá của những khách hàng trước đây của nhà vận chuyển để khách hàng có thể đưa ra sự lựa chọn (chấm thầu) theo các tiêu chí phù hợp nhất.
Mặc dù được giới thiệu với những ưu điểm vượt trội như vậy, song TransTender vẫn gặp phải một số băn khoăn, lo ngại từ các doanh nghiệp vận tải về những tính năng, tính chất pháp lý của Hệ thống. Đại diện một doanh nghiệp vận tải bày tỏ băn khoăn về tiêu chí đánh giá khách hàng và doanh nghiệp vận tải nhận được thầu, liệu có những đánh giá cảm tính, dẫn đến những thiệt thòi trong mức độ tín nhiệm của Hệ thống?
Ngoài ra, với Hệ thống này, vấn đề bảo đảm hàng hóa trong quá trình vận chuyển, những cơ chế xử lý rủi ro trong vận chuyển hàng hóa… cũng được nhiều doanh nghiệp vận tải quan tâm. Việc các hãng taxi truyền thống có được tham gia và cách thức tham gia như thế nào, liệu có mất đi “thương hiệu” của hãng trong Hệ thống này…?