Doanh nghiệp vẫn thụ động trong hội nhập

(BĐT) - Tại một diễn đàn về hội nhập, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung từng ví von: “Doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi hội nhập giống như đi trên cầu khỉ chênh vênh mà trên lưng bị đè nặng bởi một khối đá - chính là gánh nặng chi phí. Họ cứ cố gắng cúi đầu dò dẫm từng bước để khỏi trượt chân rơi xuống sông, chứ không thể nhìn xa để vươn tới thị trường nước ngoài”.
Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi

Thụ động trong hội nhập

Với bề dày khoảng 30 năm nghiên cứu các quy định pháp luật của Việt Nam về DN, ông Cung cho rằng, nếu chúng ta không cải cách thể chế kinh tế thì DN tư nhân của Việt Nam, nhân tố được coi là động lực phát triển kinh tế bền vững, khó mà nhìn thấy cơ hội cũng như tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là TPP.

Đánh giá về Hiệp định, giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “TPP là hiệp định thương mại có nội dung cam kết khá toàn diện như: mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, minh bạch và chống tham nhũng... Dự kiến, Hiệp định sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam, rõ nét nhất là ở lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư nước ngoài”.

Song ông Cung vẫn băn khoăn: “Lâu nay, DN chúng ta vẫn thụ động trong việc chờ các cơ hội từ các hiệp định kinh tế mà Việt Nam đã tham gia. Kể cả WTO, TPP, dường như chủ yếu dành cho người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam”.

Thời gian qua, xuất khẩu của chúng ta chủ yếu dựa vào DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “đổ bộ” vào Việt Nam nhằm đón sóng TPP và những FTA thế hệ mới mà chúng ta tham gia. Trong khi đó, các DN trong nước vẫn chuyển biến một cách rất “chậm rãi”. 

Doanh nghiệp phải làm gì?

Bối cảnh hội nhập đang tạo áp lực mạnh mẽ buộc DN trong nước phải nâng cao sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Không có lựa chọn nào khác, DN trong nước phải nắm lấy cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có TPP, nếu không muốn đứng bên rìa của dòng chảy”.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, DN Việt Nam chưa tuân thủ được về quản trị, lao động, trách nhiệm xã hội, kế toán, kiểm toán… theo chuẩn mực toàn cầu và chuẩn mực riêng như yêu cầu của DN FDI. Khi DN chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư sẽ khiến nhà đầu tư khó chấp nhận cho DN tham gia vào một chuỗi cung ứng của họ. Ông Cung cũng nhắc lại câu chuyện Tập đoàn Samsung muốn tìm nhà cung ứng linh kiện nội địa ở Việt Nam, song cuối cùng họ phải thừa nhận “DN trong nước không sản xuất được cái ốc vít”.

Người đứng đầu CIEM chia sẻ, có hai cách để DN Việt Nam không đứng bên rìa của TPP là DN phải tạo ra những giá trị riêng của mình hoặc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. DN Việt Nam, đặc biệt là khối DN tư nhân buộc phải nâng cao sức cạnh tranh.

Thêm vào đó, trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khối DN này chúng ta tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các cơ quan quản lý trong nước cần có động thái giúp DN vượt qua khó khăn để đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường lớn thay vì tạo thêm hàng rào cho DN.

Tin cùng chuyên mục