Bốn doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất tôn thép Việt Nam chính thức trở thành “người hùng” khi sát cánh để đòi quyền lợi cho ngành sản xuất tôn thép Việt Nam. |
Phải chăng, vũ khí mà nhiều quốc gia coi là một phần trong chính sách thương mại, thậm chí là chủ quyền bất khả xâm phạm đang bất khả dụng trong kế sách hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam? Lỗi tại doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu học, hay hội nhập vẫn chưa phải là sân chơi chung của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội? Tình thế này không thể kéo dài hơn nữa…
Các doanh nghiệp ngành thép đã nổ phát súng rền trong cuộc chiến giành lại sân chơi thời hội nhập, khi sát cánh đòi áp thuế tự vệ. Thông điệp rất rõ, dù các ông lớn rắp tâm san phẳng thị trường bởi cạnh tranh thì cũng không dễ gì lấy đi được mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của các doanh nghiệp Việt.
Biết sử dụng vũ khí
Hôm qua, 23/3 là ngày đầu tiên lệnh áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu theo quyết định của Bộ Công thương chính thức có hiệu lực. 4 doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất tôn thép Việt Nam chính thức trở thành “người hùng” khi sát cánh để đòi quyền lợi cho ngành sản xuất tôn thép Việt Nam. Ngay lập tức, Bộ Công thương đã có động thái mạnh mẽ.
Mọi việc chỉ mới bắt đầu. Tới đây, việc khởi kiện chống bán phá giá đối với tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ được tiến hành. Câu trả lời cho nghi vấn về việc doanh nghiệp Việt Nam ngơ ngác với các “vũ khí hạng nặng” trong sân chơi hội nhập đang dần rõ ràng hơn.
Có thể nói vậy vì để thực hiện được biện pháp tự vệ này, dù là tạm thời và ở mức đơn giản nhất trong nhóm công cụ phòng vệ thương mại hiện đại, các doanh nghiệp - ở đây là 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý – phải ngồi được với nhau, tìm ra được những bằng chứng xác thực về tình trạng nhập khẩu và thiệt hại đối với ngành sản xuất thép trong nước.
Về lý thuyết, việc này có thể nhìn thấy được thông qua sự đổ bộ ồ ạt các sản phẩm từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Lý do đơn giản là sự thuận lợi về cự ly vận chuyển giữa hai thị trường và cả nhu cầu ngày càng lớn của một thị trường gia công là Việt Nam. Nhưng để có được các chứng lý đủ cho các cơ quan chức năng vào cuộc và thực hiện các biện pháp phòng vệ được phép theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), công việc không dễ như nói. Cũng phải nói thêm, trước đó, vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên của Việt Nam được khởi xướng theo sáng kiến và đơn kiện của một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Trong vụ kiện này, công ty mẹ của doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm trong kháng kiện cũng như khởi kiện ở khắp các thị trường trên thế giới.
Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát (một trong 4 công ty đứng nguyên đơn) thẳng thắn thừa nhận, không dễ nhưng phải làm. “Chúng tôi đứng đơn cùng các doanh nghiệp thép khác là để có tiếng nói bảo vệ lợi ích chung cho toàn ngành, dựa trên việc nhận dạng rõ nguy cơ đe dọa từ sản phẩm nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc”, ông Hà nhấn mạnh.
Như vậy, mục tiêu mà các doanh nghiệp này hướng tới xa hơn khoảng thời gian 200 ngày của lệnh áp thuế tự vệ của Bộ Công thương. Các doanh nghiệp này lo ngại, nếu không có biện pháp hạn chế, Việt Nam sẽ trở thành chỗ trũng lý tưởng cho thép Trung Quốc…
“Nếu Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ một ngành sản xuất thép đi gia công cho nước ngoài ở khâu cuối thì chúng tôi đã chẳng đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá được phép để bảo vệ nền sản xuất trong nước đúng theo quy định của WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác”, ông Hà nói.
Chiến đấu vì lợi ích dài hạn
Với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, kiện tụng đang là nỗi ám ảnh rất lớn. Đáng tiếc là điều này sẽ ngày càng tăng theo năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của chính doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không đứng lên giành lại “đất” của mình, thì nỗi ám ảnh này sẽ trở thành ác mộng.
Chỉ tính riêng ngành tôn thép, thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong năm 2015, doanh nghiệp thép Việt Nam bị kiện tới 12 vụ. Trong khi đó, phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ kiện 1 vụ.
Nhìn lại cả chặng đường, thì từ năm 2009 đến nay, số vụ kiện do doanh nghiệp Việt Nam đứng tên nguyên đơn cũng mới chỉ là 5 vụ, tính cả vụ của 4 doanh nghiệp ngành thép. Con số quá nhỏ so với 72 vụ kiện chống bán phá giá, 7 vụ kiện chống trợ cấp và 19 vụ kiện tự vệ ở nước ngoài có tên doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn.
Hơn thế, ngay cả việc bắt tay của 4 ông lớn trong ngành dù là một tín hiệu mừng về khả năng liên kết, song vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số doanh nghiệp khác trong ngành.
Thậm chí, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt Đức (đại diện cho nhóm phản đối) đã phân tích, khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có thể cái được ngay trước mắt sẽ rơi vào túi của một vài công ty tôn thép. Ngân sách nhà nước có thể bị ảnh hưởng. “Còn phải tính đến lợi ích của cả người tiêu dùng và toàn xã hội. Nhà nước không nên tạo ra lợi thế độc tôn cho một hoặc vài doanh nghiệp”, ông Hải lý giải nguyên do phản đối.
Nhưng ông Mai Văn Hà lại có quan điểm khác. Ông cho rằng, trong thời buổi hội nhập, thị trường diễn biến khôn lường, đừng đợi đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”. Biện pháp tự vệ thương mại là một công cụ hợp pháp và chính đáng đã được WTO quy định rõ và cho phép các quốc gia thành viên áp dụng nếu thấy cần thiết để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
“Nếu không có biện pháp hạn chế, Việt Nam càng trở thành chỗ trũng lý tưởng cho thép Trung Quốc do sản phẩm của họ bị ngăn chặn khắp nơi trên thế giới. Phải phân tích lợi và hại trong thế dài hạn như vậy”, ông Hà nói.
Cũng không thể né tránh, doanh nghiệp phản đối động thái của 4 doanh nghiệp nguyên đơn và Bộ Công thương có lý vì họ là các nhà thương mại hoặc chỉ đầu tư sản xuất cán thép nên đang hưởng lợi từ việc nhập phôi giá rẻ. Như vậy, khi lệnh áp thuế tự vệ được đưa ra, đây chính là đối tượng “bị thiệt” ngay lập tức.
Đây là lúc hiệp hội ngành nghề phải xuất chiêu. Sự thành công của 4 doanh nghiệp lớn chắc hẳn có sự hậu thuẫn của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Vị Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng khi nói về câu chuyện này đã có quan điểm rất khách quan. Ông cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ là phù hợp thông lệ quốc tế, bảo vệ lợi ích chung của toàn ngành, chứ không riêng cho doanh nghiệp nào. Hiện tỷ lệ ủng hộ đã lên tới gần 80% đối với sản phẩm phôi thép và gần như tuyệt đối với sản phẩm thép dài.
Liên quan mâu thuẫn lợi ích nêu trên, bà Phạm Châu Giang (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) - người chủ trì điều tra tất cả các vụ kiện phòng vệ thương mại chia sẻ: “Các cơ quan quản lý nhà nước bao giờ cũng cân bằng lợi ích giữa các bên vì họ đều là doanh nghiệp Việt Nam. Trong các kết luận của báo cáo điều tra thời gian tới sẽ đưa ra cái nhìn tổng thể về việc doanh nghiệp và ngành sản xuất trong nước được gì/mất gì khi áp dụng/không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại”.
Rõ ràng, phòng vệ thương mại không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp ngành tôn thép. Nhất là khi các loại hàng hóa mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều từ các đối tác FTA luôn thuộc các nhóm hàng hóa bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới, như sắt thép, tôn mạ, nhựa, cao su, máy móc và thiết bị điện, dệt may.
Chắc chắn, các doanh nghiệp ngành thép mới chỉ là những người đi đầu…
(Còn tiếp)