Lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm, nợ vay tăng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng. Ảnh: Lê Tiên |
Khó khăn cũ chưa qua, khó khăn mới đã tới
Tại Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons), doanh thu thuần hợp nhất đạt 8.307 tỷ đồng sau 9 tháng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,92 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đạt 3,8%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2021. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 2.000 tỷ đồng khiến nợ vay tăng 1.462 tỷ đồng so với đầu năm. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp kỷ lục, chỉ 20 tỷ đồng, nhưng sau ¾ chặng đường Coteccons mới thực hiện được 9,5% kế hoạch.
Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế mới đạt hơn 17% kế hoạch năm. Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 1.331 tỷ đồng trong khi nợ vay tăng 1.468 tỷ đồng sau 9 tháng.
Lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm, nợ vay tăng cũng là câu chuyện chung của nhiều DN cùng ngành, như Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP FECON… Đáng chú ý, sự sụt giảm về lợi nhuận diễn ra trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2021 - khi các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các đợt giãn cách xã hội.
Nửa đầu năm 2022, DN xây dựng lao đao bởi đà tăng phi mã của giá các loại nguyên, nhiên vật liệu đầu vào. Nửa cuối năm, chưa kịp vui mừng với việc giá nguyên liệu phần nào hạ nhiệt, các DN tiếp tục đối mặt với lãi suất tăng cao, tiếp cận tín dụng hạn chế và hiện trạng “ngủ đông” của thị trường bất động sản… Các nhân tố này khiến nhà thầu xây dựng gặp rủi ro trong thu hồi công nợ, khó khăn về dòng tiền cũng như cơ hội việc làm.
Tại Coteccons, trong 9 tháng đầu năm nay Công ty đã phải dành thêm 241,6 tỷ đồng trích lập dự phòng nợ xấu đối với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt - một đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Vừa qua, Công ty cũng cho biết đã thực hiện trích lập dự phòng cho 2 dự án Alpha Hill và IFC Saigon Tower One là các công trình liên quan đến chủ đầu tư Vạn Thịnh Phát.
Với việc dòng tiền kinh doanh của các nhà thầu xây dựng âm trong 9 tháng đầu năm, DN buộc phải bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn bằng nợ vay trong khi mặt bằng lãi suất liên tục gia tăng. Chi phí lãi vay tăng tất yếu sẽ bào mòn lợi nhuận DN. Theo đó, khó có thể kỳ vọng quý IV, DN ngành xây dựng có kết quả khả quan hơn những tháng ngày đã qua.
Đơn cử tại FECON, chi phí lãi vay sau 9 tháng là 153,6 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Xây dựng Hòa Bình với 357,6 tỷ đồng chi phí lãi vay sau 9 tháng, gấp 1,66 lần lợi nhuận thuần mà hoạt động kinh doanh tạo ra. Việc Coteccons, một nhà thầu sở hữu nền tảng tài chính rất mạnh phải tăng mạnh sử dụng vốn vay, đẩy chi phí lãi vay sau 9 tháng tăng lên 54,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái chỉ 991 triệu đồng) cho thấy những khó khăn về tài chính, dòng tiền mà các DN phải đối mặt.
Cửa hẹp cho DN ngành xây dựng năm 2023
Năm 2023, nhu cầu xây dựng dân dụng trong nước được dự báo vẫn ở mức thấp khi các nguồn vốn như tín dụng, trái phiếu dành cho DN bất động sản tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ. Nhiều chủ đầu tư dự kiến sẽ đối mặt khó khăn về dòng tiền khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024. Các vướng mắc pháp lý tại các dự án, đặc biệt là dự án tại các đô thị lớn cũng sẽ cần thêm thời gian để tháo gỡ.
Trong bối cảnh thị trường xây dựng dân dụng trong nước chững lại làm tăng áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu, nhiều DN đã tìm kiếm khối lượng công việc từ các dự án đầu tư công, mở rộng thị trường nước ngoài, hay tìm kiếm lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư cổ phiếu, trái phiếu…
Tuy nhiên, những gói thầu từ các dự án đầu tư công vốn được đánh giá là miếng bánh “không dễ nuốt”, vì đòi hỏi quy mô vốn lớn trong khi đơn giá định mức thấp, thủ tục thanh toán phức tạp. Chiến lược tìm kiếm việc làm cho hoạt động xây lắp tại thị trường nước ngoài rất ít DN Việt tiếp cận được. Việc đầu tư tài chính “tay ngang” ẩn chứa nhiều rủi ro thua lỗ hơn thành công…
Từ đầu quý III/2022 đến nay, giá nhiều nguyên vật liệu quan trọng của ngành xây dựng như sắt thép, xi măng đã có xu hướng hạ nhiệt. Tuy vậy, giá các mặt hàng này khó có thể quay về mức thấp như giai đoạn năm 2020 - đầu năm 2021. Điểm khả quan hiếm hoi này không cân sức với thách thức và áp lực trước nhiều khó khăn mà DN ngành xây dựng phải đối mặt.