Ngành xi măng gặp khó khăn do nhu cầu thấp trong khi nguồn cung tiếp tục tăng, chi phí đầu vào cho sản xuất duy trì ở mức cao. Ảnh: Song Lê |
Trong quý III/2024, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận 792,8 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Xi măng Bỉm Sơn lỗ trước thuế 25,4 tỷ đồng, đánh dấu 8 quý lỗ liên tiếp. 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này lỗ 48 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 9/2024 lên 244,5 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn, Xi măng Bỉm Sơn cũng gặp áp lực lớn về nợ vay. Tính đến 30/9/2024, nợ vay của Công ty ở mức 847 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 832 tỷ đồng.
Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn cũng vừa trải qua 8 quý lỗ liên tiếp, nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến 30/9/2024 lên 212 tỷ đồng. Trong quý III/2024 và 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này lỗ tương ứng 26,2 tỷ đồng và 121,8 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai báo lỗ 11,1 tỷ đồng trong quý III/2024, nâng tổng số lỗ 9 tháng năm 2024 lên 51 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân lỗ 8,2 tỷ đồng trong quý III/2024 và 37,8 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2024; Công ty CP Xi măng Quán Triều VVMI lỗ 4,4 tỷ đồng trong quý III/2024 và 12,8 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024; Công ty CP Xi măng Phú Thọ lỗ 25,2 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024.
Vicem Hà Tiên là cái tên hiếm hoi báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2024, đạt 48,3 tỷ đồng. Sau quý đầu năm lỗ 18,4 tỷ đồng, 2 quý sau đó doanh nghiệp này lãi lần lượt 45,8 tỷ đồng và 22,6 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của Vicem Hà Tiên có được nhờ tiết giảm chi phí lãi vay 41,7 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với con số 101,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, những khó khăn của ngành xi măng trong năm 2024 đã được dự báo từ trước khi nhu cầu xi măng thấp còn nguồn cung tiếp tục tăng, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất như điện, than duy trì ở mức cao.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp xi măng. Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp - Đơn vị tính: tỷ đồng |
Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nguồn cung xi măng năm 2023 lên đến 120 triệu tấn so với lượng tiêu thụ khoảng 56 triệu tấn. Trong đó, lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022. 9 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ xi măng nội địa cũng chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục duy trì ở mức thấp. Kênh xuất khẩu cũng giảm, 9 tháng mới đạt 22,5 triệu tấn, trị giá 863 triệu USD, giảm 4,3% về lượng, giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ 2023.
Mặc dù dư cung, nhưng gần đây một số công ty xi măng tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy mới, dây chuyền mới, trong đó có Nhà máy Xi măng Xuân Sơn dự kiến hoạt động vào tháng 12/2024 (công suất giai đoạn 1 đạt 2,3 triệu tấn/năm), dây chuyền 3 của Nhà máy Xi măng Xuân Thành; dây chuyền của Nhà máy Xi măng Thành Thắng. Nếu nhu cầu xi măng không cải thiện trong tương lai, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang cho biết: “Trong bối cảnh dư thừa xi măng quá lớn so với nhu cầu, nên áp dụng biện pháp chỉ cho phép các nhà máy hoạt động một phần công suất nhất định theo tính toán và quản lý việc đó bằng điện năng cung cấp, phạt hành chính để giảm nguồn cung và giữ giá sản phẩm”.