Tăng trưởng lợi nhuận của các ngành theo mỗi quý so với cùng kỳ năm 2022 (Nguồn: BSC Research, Fiinpro, BCTC các doanh nghiệp niêm yết tại ngày 27/7/2023) |
Xoay xở tìm dòng tiền
Vào ngày 26/8/2023, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường bàn về kế hoạch phát hành 274 triệu cổ phiếu dưới 3 hình thức. Cụ thể, phát hành tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng cho các chủ nợ của Công ty (nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất) nhằm hoán đổi nợ hiện hữu. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, tức mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Sau khi thương vụ hoàn thành, Xây dựng Hòa Bình dự kiến sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng, các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ thành cổ đông Công ty.
Bên cạnh đó, Công ty dự kiến chào bán 120 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền 1.440 tỷ đồng dự kiến thu về sẽ được dùng thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh. Cuối cùng, Công ty dự kiến chào bán 47 triệu cổ phiếu cũng với giá 12.000 đồng để bổ sung vốn kinh doanh.
6 tháng đầu năm nay, tình hình tài chính của Xây dựng Hòa Bình hết sức khó khăn với nợ phải trả lên tới 13.407 tỷ đồng, gấp 10,36 lần vốn chủ sở hữu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/8, giá cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình rơi xuống dưới mệnh giá, về mức 9.720 đồng/cổ phiếu.
Trước khi đưa ra phương án trên, nửa đầu năm nay, Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện thanh lý nhiều tài sản. Báo cáo tài chính quý II/2023 cho biết, doanh nghiệp này đã thu về hơn 653 tỷ đồng nhờ thanh lý và chuyển nhượng tài sản cố định, vật tư, phế liệu. Tại ĐHCĐ thường niên 2023, Ban lãnh đạo Công ty cho biết kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC và một phần máy móc, thiết bị cho các đối tác với giá trị phần máy móc, thiết bị chuyển nhượng lên tới 1.100 tỷ đồng.
Không riêng Xây dựng Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp đã phải bán bớt tài sản, công ty con để có dòng tiền vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đơn cử, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt chỉ đạt 5,1 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2023, trong khi doanh thu tài chính lên tới 532 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản lãi chuyển nhượng công ty con. Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành trong tháng 5/2023 đã hoàn tất việc chuyển nhượng 15% cổ phần tại Công ty CP TTP Phú Yên cho Shikoku Electric Power Co., Inc, qua đó giúp doanh thu tài chính của Công ty quý II/2023 đạt 106 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán hàng chỉ ở mức 16,3 tỷ đồng.
Để giảm áp lực nợ, nhiều doanh nghiệp chọn cách xin gia hạn nợ vay với các trái chủ. Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn đã gia hạn thành công lô trái phiếu TTDCH2122001 từ đáo hạn ngày 12/10/2021 sang ngày 27/7/2024. Được biết, lô trái phiếu này còn dư nợ 225 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lô trái phiếu TTDCH2122002 (giá trị 500 tỷ đồng) cũng sẽ được lùi ngày đáo hạn từ 20/11/2022 sang 20/11/2024 với lãi suất mới áp dụng 16,5%/năm.
Hiệu quả giảm sâu, cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo số liệu tổng hợp của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tổng lợi nhuận các doanh nghiệp đại chúng trong quý II/2023 đạt khoảng 77.401 tỷ đồng, tiếp tục sụt giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên đà giảm đã có dấu hiệu chậm lại so với quý I/2023 (giảm 19,6%). Trong đó, ngành điện nước, xăng dầu, khí đốt giảm 65%; ngành thực phẩm, đồ uống giảm 49%; ngành hóa chất giảm 65%; ngành bán lẻ giảm 8,5%; ngành hàng cá nhân - gia dụng giảm 24,7%. Ngoài mức nền cao quý II/2022, sự sụt giảm đến từ sức mua tiêu dùng kém, tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Doanh nghiệp khó khăn cũng được phản ánh qua số liệu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 6/2023 đạt 4,73%. Điều đó cho thấy, tín dụng trong tháng 7/2023 đã chững lại, thậm chí tăng trưởng âm.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhận định, doanh nghiệp đang có xu hướng co hẹp đòn bẩy tài chính ở hầu hết các ngành và vấn đề không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao, mà là năng lực hấp thụ vốn thấp. Bên cạnh ngành xây dựng, bất động sản, các ngành liên quan đến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cũng rất khó khăn. Cụ thể, khó khăn trong vấn đề kinh doanh nhiều hơn là vấn đề nguồn vốn/tín dụng. Sụt giảm đơn hàng dẫn đến doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp, khiến cho nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp. Do đó, các giải pháp chính sách tập trung vào hỗ trợ lãi suất, hoãn, giãn nợ và các hỗ trợ khác về thuế, phí... nên được đẩy mạnh hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại trên thương trường.