Doanh nghiệp đứng trước thách thức rất lớn về lượng hàng tồn kho lớn, sức mua sụt giảm… Ảnh: Lê Tiên |
Khó khăn hiện hữu
Chia sẻ về thực trạng “sức khỏe” DN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN Tỉnh cho biết, toàn Tỉnh có hơn 3.000 DN thì khoảng 1.000 DN đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, 1.000 DN đang “hấp hối”, 1.000 DN hoạt động có lãi. Điều này cho thấy DN đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng DN thành lập mới giảm, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng so với năm ngoái.
Công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, bột giấy, giấy… là thế mạnh của Tuyên Quang, nhưng DN trong ngành chia sẻ, khả năng năm nay chỉ đạt khoảng 60 - 70% kế hoạch. Nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng, chuyển hướng sang tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Nếu như trước dịch Covid-19, 100% sản lượng của Nhà máy Giấy An Hòa hướng đến thị trường xuất khẩu, thì nay đã chuyển hướng do gặp khó khăn trong xuất khẩu, logistics… Hiện 70% sản lượng của Nhà máy được tiêu thụ trong nước.
Không chỉ ngành gỗ, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may, da giày… cũng chịu tác động từ biến động bên ngoài. Từ cuối quý I/2022 đến nay, ngành dệt may đứng trước thách thức rất lớn về lượng hàng tồn kho lớn, sức mua sụt giảm…
Để vượt qua khó khăn, ông Giang cho rằng, DN không thể tiếp tục phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản…, mà phải đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các thị trường mới như: Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông… DN phải tìm ra những phân khúc riêng, muốn đặt trọng tâm ở phân khúc nào thì phải đánh giá thị trường có bao nhiêu nhãn hàng đã tham gia, tính toán khả năng tiếp cận thị trường, mức độ ủng hộ của người tiêu dùng.
Không bi quan, tìm đường vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn trăm bề, nhiều ý kiến nhận định triển vọng kinh doanh trong quý tiếp theo sẽ tích cực hơn. Theo đại diện Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, 41,94% DN thuộc Hiệp hội đánh giá xu hướng kinh doanh tốt lên (trong đó có ngành chế biến gỗ…); 45,16% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định trong thời gian tới.
Tại cuộc tọa đàm mới đây về đầu tư và thương mại quốc tế, TS. Võ Trí Thành đánh giá: “Hai quý cuối năm có thể có ánh sáng”. Một là, thế giới không suy giảm nặng nề như dự báo từ đầu năm, Trung Quốc có thể tăng trưởng nhanh hơn. Hai là, áp lực từ biến động bên ngoài giảm như: lạm phát giảm dần, cường độ tăng lãi suất (đặc biệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - FED) bắt đầu chậm lại, thậm chí có thể dừng, và đầu năm sau sẽ giảm. Ba là ở trong nước, nhờ những nỗ lực của Chính phủ từ cuối năm ngoái đến nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, một số ngân hàng chính sách/ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất; chính sách pháp lý hỗ trợ tài chính, tái cấu trúc thị trường bất động sản bắt đầu đi vào thực tế… Như vậy, chiều hướng tích cực dần lộ diện, mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 6,5% có thể khó, nhưng có thể đạt quanh mốc 6%.
Về trung hạn, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN chia sẻ, DN Mỹ tiếp tục nhìn thấy nhiều điểm tích cực và triển vọng đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, ô tô, logistics, năng lượng tái tạo, tài chính, y tế… Minh chứng là cuối tháng 3, có 52 DN Mỹ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác. Và từ nay đến cuối năm, tiếp tục có nhiều đoàn DN đăng ký sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội dịch chuyển đầu tư và tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua việc thuê nhà máy, hoặc đầu tư trực tiếp, gián tiếp.
“Dù đang có khó khăn, nhưng DN tuyệt đối không được bi quan, rối trí, hay buông tay, mà cần phải cố gắng giữ vững, chuẩn bị sẵn sàng nắm bắt cơ hội thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.
Muốn tăng sức cạnh tranh, ông Giang khuyến nghị các DN trong ngành dệt may cần khắc phục sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, phải có được những nhà thiết kế đáp ứng xu thế toàn cầu và gu ăn mặc của người tiêu dùng theo từng phân khúc.