'VICEM không nên tăng sản lượng xi măng bằng mọi giá'

Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện tăng sản lượng trong ngành xi măng đồng nghĩa với việc đất nước mất tài nguyên. 
Một dây chuyền sản xuất xi măng của VICEM. Ảnh: Vicem
Một dây chuyền sản xuất xi măng của VICEM. Ảnh: Vicem

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).

Lãnh đạo VICEM cho biết, năm 2017, đơn vị này đã sản xuất được 19,3 triệu tấn xi măng, tiêu thụ 26,6 triệu tấn. Doanh thu đạt 34.100 tỷ đồng, dù chỉ bằng 94,7% năm 2016 nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 7,1%, đạt 2.850 tỷ đồng.

Lắng nghe tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương thẳng thắn nói: "Tuy nhiên, chúng ta cứ ngồi thế này, nhìn các con số. Đó chính là sự khác biệt giữa công ty nhà nước và tư nhân”.

Theo ông Cung, điều này cần phải được thay đổi từ lâu, không phải hôm nay mới bàn đến. Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty nhà nước vẫn thấy dáng dấp của hành chính, kế hoạch hóa tập trung, phân tích các chỉ số tài chính rất thiếu, yếu.

Ông chỉ rõ, báo cáo nói đến việc VICEM tăng sản lượng trong năm 2018, song không giải thích tại sao cần tăng. Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng, câu chuyện tăng lượng trong ngành xi măng cũng đồng nghĩa đất nước mất tài nguyên. Vì vậy, cần phải xem xét có tỷ lệ thuận với việc tăng lợi nhuận, tiền lương của người lao động hay không.

“Đóng góp vào sự tăng trưởng chung phải là tăng hiệu quả. Đó mới là tăng trưởng của nền kinh tế, chứ không phải là tăng bao nhiêu tấn. Hơn nữa, báo cáo chỉ ra thách thức của ngành xi măng là đang cung vượt cầu, giá bán thì đang rẻ hơn so với các nước nhưng vẫn tiếp tục tăng sản lượng”, ông Cung chỉ rõ.

Chuyên gia Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cung cầu trong ngành xi măng liên tục có vấn đề nhiều năm gần đây. Chính vì thế, các quốc gia khác trên thế giới có xu hướng đóng cửa nhà máy xi măng còn Việt Nam cứ mở liên tục. Chính vì thế ông cho rằng, ở tầm chiến lược vĩ mô, Việt Nam nên có sự cân nhắc khi tiếp tục mở rộng duyệt các dự án đầu tư trong lĩnh vực này.

“Giá xi măng bằng một nửa Indonesia, Philippines. Tại sao giá thấp như thế mà vẫn bán, buộc phải bán, khôn ngoan ở đâu. Liệu có phải ta nhường lợi ích tài nguyên bán giá thấp cho họ", ông Thiên nêu.

Ông cũng cho rằng, hiện nay có câu chuyện là xuất khẩu clinker chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó xi măng thì ít. Vậy câu hỏi là tại sao lại bán thô như vậy? Theo ông, đây không chỉ vấn đề của VICEM mà là của ngành xi măng, của quốc gia và Chính phủ cần lưu tâm.

Ông Lương Quang Khải – Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cũng nhấn mạnh sẽ không tăng sản lượng tràn lan mà tăng giá trị gia tăng, hiệu quả. Ông cũng cho biết doanh thu gần đây không tăng song lợi nhuận 4 năm qua thêm 20% mỗi năm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo VICEM cũng có những lý giải về kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về VICEM liên quan đến công nợ nội bộ còn cao. Vị này thừa nhận ít nhiều còn tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, VICEM đã thiết lập lại kỷ cương và giảm được công nợ nội bộ. Từ nợ nội bộ hơn 900 tỷ đến nay chỉ còn hơn 300 tỷ. 

Lãnh đạo VICEM cũng giải thích về kết luận liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, trong đó đề cập đến việc một số đơn vị lỗ lũy kế như Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hạ Long. Xi măng Tam Điệp trước đây được chuyển từ Ninh Bình về VICEM, chủ yếu là vốn vay. Thương hiệu của doanh nghiệp yếu nên nhiều năm lỗ, trong đó lỗ chủ yếu do chi phí tài chính. Hiện VICEM đã thiết lập lại thị trường, cơ cấu tài chính và tiếp tục cơ cấu xi măng Tam Điệp trong đề án cổ phần hóa VICEM.

Xi măng Hạ Long là doanh nghiệp do Tổng công ty Sông Đà nắm cổ phần chi phối. Năm 2015, VICEM được Chính phủ, Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ tiếp cận và tái cơ cấu toàn diện Xi măng Hạ Long trên tinh thần “doanh nghiệp tự tái cấu trúc”. Trước đây Xi măng Hạ Long thua lỗ nhiều năm do sản xuất, thị trường và cơ cấu vay nợ lớn. Sau khi VICEM tiếp quản, đơn vị này đã có lãi, đủ dòng tiền trả nợ cho nước ngoài. Tổng công ty cũng cơ cấu vốn chủ sở hữu thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ để trả cho Bộ Tài chính các khoản mà cơ quan này trả nợ thay.

“Nhiều năm Xi măng Hạ Long mới bù hết lỗ lũy kế nhưng từ khi về VICEM, công ty đã sản xuất và kinh doanh vượt công suất thiết kế, có đủ dòng tiền trả nợ”, lãnh đạo VICEM cho hay.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, VICEM cần quan tâm đến công tác củng cố bộ máy, quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản bộ máy.

“Ví dụ, hiện nay bình quân một lao động tại VICEM sản xuất mỗi ngày 7,5 tấn xi măng, một năm là 2.430 tấn. Như vậy một doanh nghiệp của VICEM sản xuất 3,6 triệu tấn mỗi năm thì cần tới gần 1.500 người. Trong khi đó, một doanh nghiệp liên doanh mỗi người sản xuất được 11 tấn, tức là tiết kiệm được 433 người”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng công tác quản lý cần chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư, quan tâm việc trả nợ vốn vay để quay vòng vốn hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Tin cùng chuyên mục