Doanh thu xây lắp giảm, Sông Đà 11 trông vào bán điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Sông Đà 11 vừa được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 11 Xây lắp đường dây thuộc Dự án Đường dây 220 kV mạch kép đấu nối trạm 220 kV Bắc Quang, với giá trúng thầu 59,8 tỷ đồng.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
(Đơn vị tính: tỷ đồng)

Xây lắp điện là lĩnh vực truyền thống của Sông Đà 11 từ nhiều năm nay, nhưng doanh thu từ mảng này đang dần suy giảm, thay vào đó là sự tăng trưởng của hoạt động bán điện.

Xây lắp đường dây và trạm biến áp là một trong những lĩnh vực hoạt động kinh doanh truyền thống của Công ty CP Sông Đà 11. Ngoài gói thầu trên, từ đầu năm đến nay, Sông Đà 11 và công ty con là Công ty TNHH MTV Sông Đà 11 Thăng Long còn trúng 3 gói thầu khác với tổng giá trúng thầu gần 145 tỷ đồng. Đây đều là các gói thầu xây lắp điện.

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Sông Đà 11 từng trúng một số gói thầu lớn như: Gói thầu số 5 Xây lắp đường dây thuộc Dự án Đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc làm chủ đầu tư (trúng thầu tháng 7/2016 với giá 189,7 tỷ đồng); Gói thầu NPC/110kV.MLĐB-G01 Gói thầu hỗn hợp (PC) Cung cấp vật tư thiết bị và xây lắp công trình thuộc Dự án Đường dây 110 kV Mường Lay - Điện Biên (trúng thầu tháng 8/2019 với giá 133,8 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, quy mô trúng thầu xây lắp của Sông Đà 11 và công ty con có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Cụ thể, quy mô trúng thầu năm 2019 đạt 278,65 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2018.

Diễn biến trên cũng được thể hiện qua kết quả kinh doanh hợp nhất của Sông Đà 11 khi doanh thu từ hoạt động xây lắp liên tục sụt giảm. Thay vào đó, động lực tăng trưởng của Công ty lại đến từ bán điện thành phẩm.

Từ năm 2014 đến nay, doanh thu từ bán điện của Sông Đà 11 liên tục tăng trưởng từ mức 23,8 tỷ đồng lên 242,1 tỷ đồng vào năm 2019. Trong khi đó, doanh thu từ mảng xây lắp liên tục giảm từ 1.184 tỷ đồng xuống còn 417,3 tỷ đồng.

Hiện Sông Đà 11 đang sở hữu một danh mục các nhà máy điện. Có thể kể đến Nhà máy Thủy điện To Buông tại Sơn La với công suất 8 MW, sản lượng điện hàng năm khoảng 35 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Đăk Đoa tại Gia Lai có công suất 14 MW, sản lượng điện hàng năm 56,3 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Bát Đại Sơn tại Hà Giang công suất 6 MW, sản lượng điện hàng năm xấp xỉ 25 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Đăk Pru I công suất 7 MW tại Kon Tum. Ngoài ra, Sông Đà 11 đang sở hữu Công ty CP Đầu tư điện mặt trời - chủ đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Phong Phú công suất 42 MWp tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm (2017 - 2019) của Sông Đà 11 lần lượt đạt 665 tỷ đồng và 66,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, Công ty ghi nhận 290,2 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do sự gia tăng đột biến của chi phí tài chính, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 11,3 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Công ty CP Sông Đà 11 tiền thân là Đội điện, nước thuộc Công ty Xây dựng Thuỷ điện Thác Bà hoạt động từ năm 1961. Đến năm 1976, khi tham gia xây dựng công trình Thuỷ điện Hòa Bình, đơn vị được đổi tên thành Xí nghiệp Lắp máy điện nước. Với sự tăng trưởng về quy mô và hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 1989, đơn vị được nâng cấp thành Công ty Lắp máy điện nước. Năm 2002, Công ty được đổi tên thành Công ty Sông Đà 11, phát triển đa dạng ngành nghề và trở thành công ty cổ phần vào tháng 8/2004. Hiện Tổng công ty Sông Đà là cổ đông lớn nắm giữ 16,93% vốn điều lệ của Sông Đà 11.

Tin cùng chuyên mục