Đốc thúc gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương ngày 17/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đốc thúc ngành Công Thương xây dựng quy chế, quy định, nghị định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, trước mắt là dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Về phía nhà đầu tư, ý kiến từ Tập đoàn FECON nhấn mạnh thực thi cần “nói thật, làm thật” nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề vướng mắc.
Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Ảnh: Tiên Giang
Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Ảnh: Tiên Giang

Sốt ruột…

Theo thông tin từ Reuters, Tập đoàn Enel (Italia) - một trong những nhà đầu tư năng lượng lớn trên thế giới có khả năng rời khỏi thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Động thái này của Enel tiếp nối sau quyết định tương tự của một số tập đoàn năng lượng nước ngoài như Equinor (Na Uy) và Orsted (Đan Mạch), dường như nhấn mạnh thêm về khó khăn trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) xác định, Việt Nam sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện (điện gió, điện mặt trời…), đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%... Quy hoạch đặt mục tiêu, đến năm 2030, công suất ĐGNK phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW, quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tỏ ra lo lắng: “Là người tham gia đầu tư vào các dự án điện tái tạo, tôi rất sốt ruột trước những vướng mắc nhiều năm nay vẫn “treo”, chưa được giải quyết. Điều này một mặt gây lãng phí nguồn lực của nhiều nhà đầu tư, mặt khác làm mất đi cơ hội phát triển năng lượng của Việt Nam”.

Nhà đầu tư này nhấn mạnh, dự án điện tái tạo, trong đó có ĐGNK thường cần nguồn vốn đầu tư lớn, không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước mà còn đến từ các nhà đầu tư cũng như quỹ đầu tư quốc tế. Song việc các dự án nguồn điện này gặp nhiều vướng mắc có thể là nguyên nhân khiến một số nhà đầu tư cân nhắc lùi kế hoạch hoặc có lựa chọn khác để giảm thiểu rủi ro.

Ở khía cạnh khác, thời gian qua xuất hiện việc một số nhà đầu tư trong nước như Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Vinacomin, Sao Mai Group… đã và đang chuyển hướng sang Lào đầu tư điện tái tạo rồi bán về Việt Nam, trong khi tài nguyên trong nước lại chưa được sử dụng hiệu quả.

Đâu là vướng mắc và gỡ như thế nào?

Đề cập về vướng mắc trong đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, nhiều nhà đầu tư cho rằng, “rào cản” lớn nhất là cơ chế, chính sách chưa đầy đủ. Ngoài ra, cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo cũng thiếu ổn định, thiếu sự thống nhất, rõ ràng…, khiến nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận nhiều lần nhấn mạnh, nhà đầu tư chỉ “xuống tiền” khi họ gạt bỏ được lo ngại về những rủi ro phía trước

Khi cơ chế chưa đầy đủ, rõ ràng, tình trạng cán bộ thực thi sợ trách nhiệm vẫn hiện hữu. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ cảm nhận, dường như các hành động triển khai thực hiện Kế hoạch, Quy hoạch điện VIII vẫn chung chung, khiến nhà đầu tư không rõ con đường phát triển các dự án điện.

Trước thực tế này, tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương ngày 17/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đốc thúc ngành Công Thương xây dựng quy chế, quy định, nghị định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, trước mắt là dự án năng lượng tái tạo, trong đó có ĐGNK; tập trung triển khai Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch điện VIII; triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng… để giải phóng nguồn lực phục vụ cho phục hồi kinh tế - xã hội.

Trước đó (ngày 12/9), Văn phòng Chính phủ cũng thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, ĐGNK, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương tập tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện; khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)…

Đánh giá cao chỉ đạo này, một nhà đầu tư năng lượng tại Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần đốc thúc các bộ, ngành và địa phương tăng tốc hơn nữa trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đại diện Tập đoàn FECON nhấn mạnh thực thi cần “nói thật, làm thật”. Theo hướng này, địa phương có thể thành lập một Tổ xử lý nhanh nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề về vướng mắc của DN. “Nếu một tờ giấy mà phải gõ 10 cửa thì rất vất vả cho nhà đầu tư”, DN bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục