Đối mặt bài toán tăng cung tiền

(BĐT) - Ngoài việc mua cổ phần của khối ngoại bằng USD, một lượng lớn USD đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào trong năm 2017 và tháng đầu tiên năm 2018 khiến cung tiền đồng tăng lên. Câu hỏi đặt ra là điều này có gây áp lực lên lạm phát trong năm 2018 hay không?
Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 42 nghìn tỷ đồng trong 3 ngày của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Tiên Giang
Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 42 nghìn tỷ đồng trong 3 ngày của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Tiên Giang

Dự trữ ngoại hối tăng cao

Theo số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng công bố ngày 6/2/2018, dự trữ ngoại hối đã lên 57,5 tỷ USD, đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 27/2/2018, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP Chứng khoán MB cho biết, đến thời điểm này dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên khoảng 61 tỷ USD.

Nhiều phân tích cho thấy nguồn cung ngoại tệ năm nay dự báo sẽ vẫn rất tích cực. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, vốn FDI thực hiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; xuất siêu 1,08 tỷ USD… Bên cạnh đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, triển vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tích cực do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ được ký kết vào đầu tháng 3/2018, các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát của Việt Nam ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể vượt mức 6,8%.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với nhiều tên tuổi lớn có thể tạo nên một lượng cung ngoại tệ lớn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thương vụ trên.

Dự trữ ngoại hối đã vượt mục tiêu đến năm 2020, tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, giúp củng cố thêm vị thế, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia; chủ động hơn để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài… 

Thận trọng cung tiền đồng

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, riêng trong năm 2017, NHNN đã mua thêm được 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Và trong tháng đầu của năm 2018 con số đó là 3 tỷ USD. Như vậy, đã có một lượng lớn tiền đồng được bơm ra.

Thống kê mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NHNN đã hút ròng gần 42 nghìn tỷ đồng trong 3 ngày của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Cụ thể,  NHNN đã phát hành 33.600 tỷ đồng tín phiếu thông qua nghiệp vụ outright. Đồng thời, NHNN hút 8.144 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ Repo. Tính chung lại, NHNN hút ròng 41.714 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm NHNN hút ròng 2.624 tỷ đồng.

Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, động thái mau chóng hút tiền về ngay sau Tết cho thấy sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát, nhất là trong bối cảnh thời gian qua một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra thị trường để mua vào ngoại tệ.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Công Tuấn, dù NHNN đã và đang nỗ lực để trung hòa số tiền này thông qua việc phát hành tín phiếu, nhưng toàn hệ thống ngân hàng vẫn đang dư thừa thanh khoản ở mức rất cao. Nếu một lượng tiền quá lớn đổ ra nền kinh tế thông qua kênh tăng trưởng tín dụng thì phần nào sẽ tăng áp lực lên lạm phát.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2007 đến tháng 8/2008, khi dòng vốn ngoại lớn đổ vào Việt Nam, sự thiếu nhịp nhàng trong bơm, hút tiền đồng được cho là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát bùng phát. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài viết về tình hình kinh tế - xã hội 2018 đã nhắc lại bài học này và lưu ý việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng đòi hỏi điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt, đặc biệt là trung hòa ngoại tệ, tránh gây sức ép lạm phát như chúng ta đã gặp phải vào đầu năm 2008.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng nhấn mạnh rằng, việc giữ cân bằng trạng thái tiền đồng để không ảnh hưởng tới lạm phát thực sự là bài toán không đơn giản đối với điều hành tiền tệ của NHNN. Thực tế điều hành năm 2017 đã cho thấy kết quả tích cực, dù dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhưng lạm phát vẫn giữ được ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Nhiều chuyên gia kỳ vọng với kinh nghiệm điều hành và bài học từ năm 2008, NHNN sẽ có những giải pháp để bơm, hút tiền đồng hợp lý, không tạo sức ép quá lớn lên lạm phát.

Tin cùng chuyên mục