Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn. Ảnh: VGP |
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét 32 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó phấn đấu thông qua 15 - 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến đối với các dự án luật còn lại.
Để tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm soạn thảo, trình, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thẩm tra, tiếp thu hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó, bảo đảm việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và các cơ quan khác. Quy định của luật phải rõ ràng, thực chất, không quy định chung chung, không sao chép lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác, góp phần đơn giản, gọn nhẹ nội dung của luật, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện.
Những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi. Những việc bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn thì mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương thực hiện để Chính phủ, các cơ quan trung ương tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô.
Giải bài toán vừa quản lý, vừa kiến tạo phát triển
Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cơ bản không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, “cài cắm” lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các vị đại biểu Quốc hội cần phát huy dân chủ, trí tuệ, vai trò trung tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, với tinh thần chuyên nghiệp, khoa học, kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn; bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo luật, nghị quyết nhằm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, bảo đảm các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng bộ thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cơ quan soạn thảo, trình dự án luật, nghị quyết thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét, thông qua; kịp thời xin ý kiến Chính phủ những vấn đề còn có ý kiến khác với cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất xử lý trước khi trình Quốc hội. Quán triệt, bám sát yêu cầu đổi mới để thực hiện tốt ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, trình các dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và các năm tiếp theo. Kịp thời tham mưu chuẩn bị, trình Chính phủ ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy định chi tiết đáp ứng yêu cầu đổi mới để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua vào cuộc sống.