Đối phó dịch nCoV: Sẵn sàng các gói giải pháp cho nền kinh tế

(BĐT) - Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) tới nền kinh tế Việt Nam là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, Chính phủ luôn sẵn sàng các giải pháp để ứng phó.
Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong dịch nCoV. Ảnh: Lê Tiên
Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong dịch nCoV. Ảnh: Lê Tiên

Một số nước đã có gói cứu trợ về kinh tế

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong năm 2020, nhưng chắc chắn là Quý I sẽ giảm sút nghiêm trọng. Năm 2003, đại dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đóng góp 18% GDP toàn cầu, đại dịch nCoV có thể gây ra những tác động lớn hơn gấp 3 - 4 lần. Những ảnh hưởng đã nhìn thấy rõ nét ở một số ngành sản xuất và một số ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang bị gián đoạn.

Tổ chức S&P Global cho rằng, dịch nCoV sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tác động giảm đối với một số ngành sản xuất và dịch vụ lớn như sản xuất dầu mỏ, hàng không… Các hãng hàng không và các nhà khai thác hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ chịu thiệt hại phụ thuộc vào quy mô và mức độ lây lan của virus Corona ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Còn theo Bloomberg, ảnh hưởng của virus Corona lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc, mà Hàn Quốc và Việt Nam có thể giảm tăng trưởng 0,4 điểm phần trăm, Nhật Bản 0,2 điểm phần trăm trong quý I/2020.

IMF cho rằng, thế giới cần đánh giá hành động cần thiết để kiểm soát sự lây lan của virus Corona cũng như hiệu quả thực sự của các biện pháp được đưa ra. IMF dự đoán, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, nhưng vẫn ở tình trạng trì trệ và các nguy cơ vẫn hiện hữu.

Trước nguy cơ kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ "bơm" 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (173 tỷ USD) vào nền kinh tế nhằm tăng cường hỗ trợ cuộc chiến toàn quốc chống lại chủng virus Corona mới.

Ủy ban Quản lý, giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cho biết, khuyến khích thông qua các hình thức hạ thấp lãi suất cho vay, hoàn thiện chính sách tiếp tục cho vay, tăng cường cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn để các doanh nghiệp liên quan chiến thắng ảnh hưởng của thảm họa dịch bệnh.

Malaysia cũng đang cân nhắc về việc đưa ra gói kích thích kinh tế và sẵn sàng triển khai các biện pháp đối phó.

Có tính đến gói hỗ trợ, nhưng phải cân nhắc nhiều yếu tố

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 diễn ra ngày 5/2/2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Chính phủ 2 gói giải pháp. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch đang diễn ra, tập trung ưu tiên các giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ 2 là giải pháp khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tùy theo tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh, các gói hỗ trợ cũng là phương án cần tính đến, tuy nhiên còn phải cân nhắc nhiều yếu tố như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và hỗ trợ đối tượng nào, mức độ hỗ trợ bao nhiêu, phương thức hỗ trợ như thế nào.

Về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ, đến thời điểm này chưa đến mức độ đặt vấn đề gói hỗ trợ. Nếu như dịch bùng phát nghiêm trọng hơn thì lúc đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới bàn đến và còn phải tính toán, bảo đảm nhiều chỉ số khác.

Bộ KH&ĐT cho rằng, cần thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan để có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực. Đồng thời, kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn, các thị trường chủ yếu; kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hậu cần logistics khác. Tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân...