Cơ cấu quy mô chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt. Ảnh: Phú An |
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao kỷ lục
Tại cuộc họp báo sáng 19/12 về Hội nghị Thủ tướng với DN, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, DN Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với những điểm sáng ấn tượng; tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số DN đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong những năm gần đây.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, những năm gần đây, số lượng DN thành lập mới liên tục phá kỷ lục. Trước đây, mỗi năm chỉ có khoảng 70.000 - 80.000 DN thành lập mới, nhưng trung bình 4 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 120.000 DN thành lập mới. “Đặc biệt, theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, ước tính năm 2019 là năm có số lượng DN đăng ký thành lập mới cao nhất với 138.000 DN”, ông Tuấn cho biết.
Không chỉ ấn tượng với số lượng DN thành lập mới, lãnh đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cho hay, lượng DN tăng vốn cũng rất lớn với gần 40.000 DN tăng vốn điều lệ, đưa số vốn đăng ký tăng lên hơn 2 triệu tỷ đồng. “Tín hiệu này rất đáng mừng bởi các DN tăng vốn là những DN đang đầu tư kinh doanh trên thực tế tiếp tục bỏ vốn kinh doanh. Đây là tiền thật, khác với vốn cam kết khi đăng ký thành lập, góp phần phát triển kinh tế đất nước”.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN, Cục Phát triển DN cho biết, cơ cấu quy mô DN đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các DN quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm DN siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng DN Việt Nam có vai trò dẫn dắt. Những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, DN FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như Sun Group, FLC, Vingroup, Vietjet… tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, công nghệ cao, chế tạo kỹ thuật cao...
Ngoài ra, các DN đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội. Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn, được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta không ngồi đợi vốn đầu tư nước ngoài, mà các DN trong nước đã và đang rất năng động trong phát triển ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Bên cạnh những điểm sáng ấn tượng trên, Bộ KH&ĐT cũng nhìn nhận, sự phát triển của DN vẫn chưa thực sự hiệu quả, bền vững. Theo ông Lê Mạnh Hùng, mặc dù số lượng DN thành lập mới liên tục tăng, nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng năm 2019 là 49,4%.
Tỷ lệ này, theo ông Bùi Anh Tuấn, ở mức trung bình trên thế giới, song dù sao đây cũng là điều không mong muốn.
Bên cạnh đó, số lượng DN quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn; năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong…
Về việc cắt giảm rào cản cho DN, trong đó có điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đây chưa bao giờ là việc dễ dàng, cần suy nghĩ tìm kiếm giải pháp “làm sạch” cũng như kiểm soát điều kiện kinh doanh hiệu quả nhất.
“Do đó, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2019 là dịp để Thủ tướng cùng các cơ quan bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực DN thời gian qua; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy DN phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.