Đón đầu sự phục hồi nhu cầu trên thế giới: Giảm thiểu tác động của dịch đến năng lực sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư có thể sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có những yếu tố tích cực, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, nếu duy trì được hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp và bảo đảm nguồn cung vắc xin thì nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vẫn khả thi.
Việc duy trì hoạt động bình thường tại các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất là một trong những yếu tố hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Việc duy trì hoạt động bình thường tại các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất là một trong những yếu tố hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nêu rõ, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư đã làm tăng mạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, buộc phải đóng cửa trường học ở nhiều địa phương và tái áp dụng các biện pháp phòng ngừa về y tế và hạn chế đi lại. Các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của Chính phủ. Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.

Báo cáo nghiên cứu vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong hai tháng tới. Ngành dịch vụ sẽ chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư này. Lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng ít bị ảnh hưởng hơn.

“Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu trong những tháng tới nhờ có vắc xin, đem lại nhiều đơn đặt hàng hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đẩy nhanh đầu tư công và duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Chúng tôi vẫn tin rằng các nền tảng vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố, giúp đối phó được với những rủi ro đến từ cả nội tại lẫn bên ngoài”, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, trong điều kiện biện pháp ứng phó và sống chung với dịch bệnh đã trở thành quy trình, các ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng dịch bệnh thứ 4 dự báo sẽ được hạn chế đáng kể. Sự kết hợp nhuần nhuyễn trong quy trình chống dịch cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cho thấy mức độ khả thi trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, một trong những yếu tố có thể giúp kinh tế tăng trưởng tốt năm nay là nhu cầu từ bên ngoài, điều này sẽ chịu rủi ro nếu dịch lây lan ở các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất. Do đó, nếu chúng ta kiểm soát tốt để các khu công nghiệp vẫn hoạt động được bình thường thì tác động sẽ không lớn, mục tiêu tăng trưởng đề ra vẫn khả thi.

Để ngăn chặn được nguy cơ dịch lây lan trong các khu công nghiệp, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, bên cạnh các giải pháp đang thực hiện như giám sát chặt chẽ tại phân xưởng, nhà máy, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động. Đồng thời, cần có giải pháp để chủ động được nguồn vắc xin đủ lớn trong thời gian ngắn nhằm nhanh chóng tăng số lượng người được tiêm đủ vắc xin, từ đó góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng. Để làm được điều đó, bên cạnh việc nhập khẩu vắc xin, cần chú trọng hướng phát triển vắc xin sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung.

Liên quan nội dung này, tại cuộc họp chiều 17/5 về phòng chống Covid-19 và công tác nhập khẩu, sản xuất, tiêm vắc xin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cả nước vẫn đang thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Tăng trưởng quý I/2021 dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn giữ được đà phát triển tích cực, thu ngân sách tới ngày 16/5 đã đạt gần 50% dự toán kế hoạch cả năm”.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, nguy cơ vẫn rất cao, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nhân dân bằng những biện pháp phù hợp, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn. Phải tiếp tục quán triệt mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong phòng chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục