Đôn đốc, khuyến khích các chủ đầu tư, bên mời thầu sử dụng hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo dõi, đôn đốc, khuyến khích các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc thực hiện tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển (ảnh minh họa: internet)
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển (ảnh minh họa: internet)

Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập tại Chỉ thị số 28/CT-TTG về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa ban hành nhằm tăng cường sử dụng hàng Việt trong đấu thầu.

Bên cạnh nhiệm vụ trên, Chỉ thị cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Chỉ thị nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững. Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: các hoạt động thông tin tuyên truyền vẫn chưa đi vào chiều sâu; công tác rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam còn chậm; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; còn tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước,…

Theo đó, nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong bối cảnh mới khi đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, tại Chỉ thị số 28/CT-TTG, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương thực hiện các giải phải để đẩy mạnh Cuộc vận động.

Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.

Tiếp tục hiện thực hiện hóa chủ trương Cuộc vận động, trong công tác tham mưu phát triển kinh tế, suốt thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động, trong đó có vấn đề tăng cường sử dụng hàng trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu. Theo đó, nhiều chính sách đã được ban hành như: Chỉ thị số 494/CT-TTg năm 2010 sau đó tiếp tục được thay thế bằng Chỉ thị số 13/CT-TTg năm 2017; Luật Đấu thầu năm 2013; Chỉ thị số 47/CT-TTg; liên tục cập nhật danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được…

Đặc biệt, tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến góp ý cũng đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh sử dụng hàng Việt trong công tác mua sắm những dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, dự kiến Luật bổ sung quy định về ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, cung cấp bởi các nhóm yếu thế trong xã hội; quy định về khuyến khích dùng hàng hóa sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu; quy định đối với việc mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo; mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục