Đơn giá, định mức và biến động giá cả: Nhà thầu mòn mỏi chờ giải pháp tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Định mức đơn giá không cập nhật được theo thị trường, cùng với biến động giá cả vật liệu quá lớn trong thời gian qua là một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp xây dựng. Vừa qua, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh về những khó khăn này, và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Theo ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chi nhánh miền Trung, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều lần điều chỉnh định mức xây dựng và hiện đang áp dụng theo Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về Ban hành định mức xây dựng. Tuy nhiên, nhiều định mức, đơn giá ban hành vẫn chưa sát thực tế, còn lạc hậu; đặc biệt là các đơn giá có áp dụng thuế môi trường thì giá bán thực tế rất cao so với giá công bố tại địa phương hoặc có chênh lệch rất cao giữa giá có thuế với giá chưa thuế.

Cụ thể, ở địa bàn Đà Nẵng, Sở Xây dựng công bố giá mua đất đồi san lấp tại mỏ đất là 31.600 đồng/m3 (giá sau thuế từ năm 2019 đến nay), trong khi thực tế giá bán tại mỏ đất san lấp K85 dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/m3, chênh lệch gần 100% so với giá công bố; giá bán đất đắp nền đường K95, K98 còn đắt hơn (gần 100.000 đồng/m3). Hay đơn giá ván khuôn dầm sàn áp dụng tính dự toán có định mức từ 110.000 - 130.000 đồng/m2, nhưng thực tế hiện nay là từ 180.000 - 200.000 đồng/m2, chênh lệch hơn 60%.

Đối với giá nhân công xây dựng, các địa phương xây dựng giá nhân công trên cơ sở Thông tư 13/2021/TT-BXD, song lương nhân công theo cấp bậc thợ của thông tư này còn thấp hơn so với tiền công thực tế mà nhà thầu phải chi trả. Đơn cử, với thợ bậc 3,5/7 nhóm II (thợ xây, trát, ốp lát), giá áp dụng tính dự toán là 237.000 đồng/công, trong khi thực tế nhà thầu phải trả từ 450.000 - 500.000 đồng/công, chênh lệch từ 100 - 110%. Như vậy, với tỷ trọng giá nhân công chiếm từ 20 - 30% tổng dự toán thì việc bù lỗ của nhà thầu là rất lớn.

Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, một số định mức mới, định mức điều chỉnh, định mức công trình giao thông đường bộ, định mức sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới cũng chưa được tính đúng, tính đủ. Ví dụ, định mức trong đắp Subbase và Base hao phí chỉ 1,34 m3 vật liệu được 1,0 m3 thành phẩm là quá thấp so với thực tế (phải hao phí vật liệu 1,42 m3). Hoặc định mức trong công tác cẩu lắp dầm bằng phương pháp đấu cẩu, đơn giá theo định mức chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/dầm, tuy nhiên nhà thầu phải thuê thực tế với giá 10 triệu đồng/dầm.

Không chỉ vậy, thời gian qua, giá cả vật liệu xây dựng có biến động quá lớn, gây thêm tác động xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà thầu. "Giá cả leo thang không thể kiểm soát với mức biến động bất thường trong lịch sử từ trước tới nay, nhưng lại chưa có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời khiến nhà thầu không thể huy động đủ nguồn vốn, phải thi công cầm chừng, dẫn tới nguy cơ làm chậm tiến độ theo hợp đồng đã cam kết", đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ.

Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng Việt Nam, VACC cho biết thêm một số khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Đơn cử, thủ tục pháp lý đầu tư dự án bất động sản chưa được tháo gỡ do đó một số dự án mới chưa đủ nhiều để cung cấp công ăn việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng. Ngành xây dựng có đặc thù khi có tới 70% số lao động là nông nhàn, nhưng sau dịch Covid-19 việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn.

Công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn khó khăn, phức tạp, dẫn tới nợ đọng nhiều, khiến sức ép tài chính đối với nhà thầu ngày một nhiều hơn. Công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo giữa các ngành liên quan khiến các doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, đặc biệt tình trạng hồi tố của công tác kiểm toán, thanh tra gây khá nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp.

Vừa qua, VACC đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về thực trạng ngành xây dựng Việt Nam. Trong đó, VACC thông tin về thực trạng biến động giá cả vật liệu quá lớn.

Theo thống kê của VACC, giá thép tính từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 7/2022 đã tăng từ 20 - 60% (cao điểm là tăng 60%, hiện tại tăng ở mức trên 20%); giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg (quý IV/2020) đến nay là 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020 đến nay là 15.500 đồng/kg…

Việc tăng giá của tất cả các vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18 - 30%, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu. Do đó, hàng loạt nhà thầu tham gia các gói thầu đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn. Có thực trạng, nhiều nhà thầu không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường.

Với những khó khăn này, ông Trần Phước Tuấn đề xuất các bộ, ngành kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng triển khai điều chỉnh bù giá, trượt giá đối với các loại hợp đồng xây dựng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Với tình hình biến động giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu, để có có sở điều chỉnh trượt giá cho nhà thầu, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng kịp thời, chính xác, phù hợp giá cả và biến động giá thực tế của thị trường.

Đối với doanh nghiệp có nhiều vướng mắc về định mức công nghệ mới, chuyên ngành giao thông, VACC đề nghị Bộ Xây dựng có các buổi làm việc cụ thể với Hiệp hội để thống nhất chương trình sửa đổi, bổ sung một số định mức áp dụng công nghệ mới, chuyên ngành giao thông; sau đó tiến hành tổ chức khảo sát thực tế, kiểm chứng kết quả ở một số công trình của doanh nghiệp xây dựng đang thi công, báo cáo Bộ Xây dựng xây dựng, bổ sung vào bộ định mức hiện hành của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục