Đón hàng ETF, thanh khoản đột biến

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường hôm nay dự kiến chịu áp lực bán rất lớn từ hàng loạt quỹ ETF nội tái cơ cấu danh mục theo kỳ đảo chỉ số của HoSE. Sự hưng phấn và tự tin cao độ đã đẩy thị trường tăng bất chấp lượng hàng lớn xuất hiện, tạo thanh khoản cao nhất 14 phiên của sàn này...
Cổ phiếu xanh mướt trong phiên cuối tuần.
Cổ phiếu xanh mướt trong phiên cuối tuần.

Thị trường hôm nay dự kiến chịu áp lực bán rất lớn từ hàng loạt quỹ ETF nội tái cơ cấu danh mục theo kỳ đảo chỉ số của HoSE. Sự hưng phấn và tự tin cao độ đã đẩy thị trường tăng bất chấp lượng hàng lớn xuất hiện, tạo thanh khoản cao nhất 14 phiên của sàn này.

Kế hoạch tái cơ cấu danh mục ETF được công bố từ lâu và hoàn toàn không bất ngờ. Do đó đà tăng của thị trường hôm qua và cả phiên hôm nay có thể xem là tích cực khi nhà đầu tư chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng với khối lượng bán lớn.

Cả phiên sáng thị trường duy trì được mức tăng khá ổn định. Mức tăng cao nhất trong buổi sáng của VN-Index khoảng 0,6% so với tham chiếu, trước khi có bùng nổ ở những phút cuối. Đà tăng mạnh hơn buổi chiều và đến hết đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số vẫn tăng 16,19 điểm.

Đợt ATC là thời khắc các quỹ mua bán đồng loạt. Rất nhiều cổ phiếu blue-chips xuất hiện giao dịch lớn hàng triệu cổ như VPB, VNM, HPG, CTG, TCB, MBB... Lực bán lớn được cân bằng khối lượng mua cũng rất cao. VN-Index đợt ATC thậm chí còn nhích lên, tăng so với tham chiếu 16,45 điểm tương đương 1,27%. Mức đóng cửa này là cao hơn thời điểm chốt đợt khớp lệnh liên tục, cũng đồng nghĩa với giao dịch tái cơ cấu của quỹ ETF đợt ATC không có ảnh hưởng gì.

Tuy vậy, cổ phiếu vẫn chịu các sức ép khác nhau. Việc co kéo các mã lớn giúp VN-Index không thay đổi, nhưng điều đó không phản ánh sự cân bằng ở đợt ATC với cổ phiếu.

Ví dụ VNM xuất hiện lực bán hơn 1,3 triệu cổ và có lúc giá sụt mạnh xuống dưới 84.000 đồng nhưng được cầu vào mua nâng dần lên. Đóng cửa VNM đạt 86.100 đồng, giảm 0,81% so với tham chiếu. Toàn bộ mức giảm này cũng chỉ có ở đợt ATC, còn trong phiên VNM đã quay lại tham chiếu thành công, thậm chí có lúc tăng 0,46%.

VCB cũng là mã lớn chịu tác động, giá tụt nhẹ 400 đồng trong đợt ATC so với cuối đợt khớp lệnh liên tục và đóng cửa trên tham chiếu 0,1%. VCB thanh khoản không quá lớn (tăng 14% so với hôm qua) và đợt ATC gần như cướp hết toàn bộ nỗ lực tăng trong ngày. MBB, BID, HPG, NVL, MWG, FPT, MSN là những blue-chips bị ép giá khá nhiều trong đợt ATC.

Dù có nhiều blue-chips sụt giá, nhưng VIC, VHM, VPB, REE, VRE, PNJ... được đẩy cao hơn ở đợt cuối. Đặc biệt là VIC nhảy cao hơn tới 600 đồng, chốt trên tham chiếu 2% riêng đợt ATC. Việc cân trụ không đủ ở chỉ số VN30-Index nên đóng cửa, chỉ số này tụt hơn 1 điểm so với thời điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục.

Dù vậy thị trường vẫn có một phiên cuối tuần rất mạnh mẽ. VN-Index tăng chung cuộc 1,27% lên 1.310,05 điểm, chính thức bùng nổ qua đỉnh cao tuần trước. VN30-Index tăng 1,38% với 27 mã tăng/2 mã giảm. Midcap tăng 1,42% với 43 mã tăng/18 mã giảm. Smallcap tăng 0,96% với 95 mã tăng/42 mã giảm. Toàn sàn HoSE có độ rộng 259 mã tăng/113 mã giảm, trong đó hơn 120 mã tăng trên 1%.

Giao dịch của các quỹ ETF góp phần đẩy thanh khoản hôm nay lên khá cao. ACB lần đầu tiên xuất hiện giao dịch vượt 1000 tỷ đồng khớp lệnh. Khối lượng giao dịch khoảng 35,16 triệu cổ không phải là kỷ lục, nhưng giá trị khớp 1.246,5 tỷ đồng là cao nhất trong lịch sử vì giá ACB hiện cũng đang ngấp nghé đỉnh lịch sử. Nhóm ngân hàng nhìn chung vẫn là những cổ phiếu thanh khoản cao nhất, nhưng không có mã nào tới ngưỡng ngàn tỷ đồng. HPG là cổ phiếu duy nhất còn lại giao dịch đạt 1.090,5 tỷ đồng.

Tổng giá trị khớp hai sàn hôm nay đạt gần 22.874 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ phiên ngày 12/7 vừa qua. Đây là một tín hiệu cho thấy dòng tiền quay lại. Dù vậy do tính đột biến của nhiều quỹ ETF cùng giao dịch nên có thể thanh khoản các phiên kế tiếp sẽ giảm trở lại.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay ghi nhận mức mua ròng 449,1 tỷ đồng trên HoSE và khoảng 29 tỷ đồng trên HNX. SSI, STB, MSN là các mã được mua ròng vượt 100 tỷ đồng. CTG, MBB mua ròng vượt 50 tỷ đồng; HSG, NVL, HPG, VCB mua ròng vượt 20 tỷ đồng. Phía bán có VRE, SAB, VNM và DCM là hơn 20 tỷ đồng ròng.

Tin cùng chuyên mục