Đơn hàng quay trở lại, bức tranh DN sáng hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với những tháng đầu năm 2023, tình hình gia nhập và tái gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN) có những tín hiệu khởi sắc, đơn hàng cũng dần quay trở lại với một số ngành hàng. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, với tình hình thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh DN Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp bắt đầu đón những đơn hàng phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Ảnh: HL
Doanh nghiệp bắt đầu đón những đơn hàng phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Ảnh: HL

Tín hiệu từ những đơn hàng

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số DN gia nhập thị trường trong tháng 8 thiết lập kỷ lục với 14.047 DN mới, số vốn đăng ký 135.298 tỷ đồng, tăng 17,9% về số DN và tăng 3,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. “Đây là lần đầu tiên trong giai đoạn tháng 8 các năm, số DN thành lập mới vượt mốc 14.000”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Tính chung 8 tháng năm 2023, số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường đạt 149.400 DN, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng gấp 1,2 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018 - 2022 (121.828 DN).

Trong 8 tháng qua, cả nước có 9/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, giáo dục và đào tạo tăng 35%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 18,9%... Tương tự, số DN quay trở lại hoạt động tăng ở 8/17 lĩnh vực.

Cũng trong thời gian này, cả nước có 37.969 hộ kinh doanh được thành lập mới thông qua cơ chế liên thông với số vốn đăng ký là 14.970 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 8/2023, đơn hàng quốc tế của một số ngành hàng như: dệt may, thủy sản, hồ tiêu, gỗ, da giầy... đã quay trở lại với DN Việt Nam sau nhiều tháng chững lại do nhu cầu thị trường thế giới suy giảm. Từ đầu năm đến ngày 15/8/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 402 tỷ USD, xuất siêu hơn 16 tỷ USD.

Bên cạnh tín hiệu khởi sắc của khối DN xuất khẩu, thị trường nội địa cũng có dấu hiệu ấm trở lại. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho biết, tình hình đơn hàng của DN trong tháng 8 có cải thiện so với tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023. “Đơn hàng của DN trong tháng 8 tăng 5 - 10% so với tháng trước. Số DN sản xuất quan tâm đề nghị xin báo giá đối với mặt hàng lĩnh vực thang máy cũng gia tăng. Thời điểm cuối năm là cao điểm mùa xây dựng, do đó, kỳ vọng đơn hàng của DN sẽ có sự phục hồi tốt hơn”, ông Vũ chia sẻ..

Đại diện Công ty TNHH Đồ gỗ nội thất AAA cho biết, từ tháng 7 đến nay, lượng đơn hàng của Công ty được cải thiện. Công ty đang tìm hiểu quy định về phòng cháy chữa cháy để mở rộng nhà xưởng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung cấp hàng cho đối tác.

Khảo sát sơ bộ của Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP.HCM cho thấy, từ tháng 7/2023, các DN bắt đầu đón những đơn hàng phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường trong nước và quốc tế.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 8 lập kỷ lục với 14.047 doanh nghiệp mới, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 8 lập kỷ lục với 14.047 doanh nghiệp mới, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Hối thúc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Mặc dù đã xuất hiện một số tín hiệu tốt, nhưng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lưu ý, khó khăn, thách thức vẫn bao trùm lên hoạt động của DN trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài chưa cải thiện nhiều, sức mua nội địa yếu. Trong 8 tháng qua, cả nước vẫn có 11.769 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có tới 124.684 DN rút lui khỏi thị trưởng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ thực tế DN tại tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN Tuyên Quang nhìn nhận: “Có lẽ các DN đang ở thời điểm “đáy” của khó khăn và tình trạng này có thể còn kéo dài đến giữa năm 2024”.

Theo ông Thập, hiện cầu tiêu dùng vẫn rất thấp, thị trường bất động sản vẫn đóng băng..., chưa kể hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này dẫn đến cán bộ thực thi muốn làm thủ tục cho DN thì lại gặp vướng mắc dẫn đến không làm hoặc sợ không dám làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… Hậu quả là thị trường gần như thiếu vắng các dự án đầu tư mới.

“Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, như tăng tốc đầu tư công, giảm lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)... Tuy nhiên, việc hành động để thực thi các chính sách này vẫn chậm. DN đang rất khó khăn trong khi các thủ tục tiếp cận vốn vay rất nhiêu khê”, ông Thập nêu.

Ông Thập cho rằng, ở thời điểm này chưa thể giải quyết dứt điểm mọi khó khăn, nhưng việc gì làm được để DN bớt khó rất mong gỡ nhanh bằng tinh thần đồng hành, chia sẻ với DN.

Đại diện Công ty TNHH Đồ gỗ nội thất AAA mong mỏi, cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan quy định về phòng cháy chữa cháy theo hướng phù hợp với tình hình DN trong nước, tránh đưa ra quy chuẩn không phù hợp, gây tốn kém chi phí…

Đề xuất giải pháp hỗ trợ DN, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế để giúp DN nói riêng, nền kinh tế nói chung có thêm “trợ lực” thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN cũng như các chính sách hỗ trợ liên quan…

Về phía DN, Cục khuyến nghị, DN cần phải tái cơ cấu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm trong sử dụng vốn. DN xuất khẩu cần tích cực tìm hiểu quy định pháp luật để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp…, nắm bắt tốt nhất cơ hội hồi phục của thị trường.

Với những tín hiệu thị trường đang dần tốt hơn cùng với việc thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh hy vọng, bức tranh phát triển của DN từ nay tới cuối năm sẽ có thêm nhiều điểm sáng.

Tin cùng chuyên mục