Dồn lực cho dự án lớn, tạo động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2025. Ảnh: Lê Tiên
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2025. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư công

Năm 2025, Quốc hội phê duyệt tổng chi đầu tư phát triển 790,727 nghìn tỷ đồng, trong đó chi ngân sách trung ương 315 nghìn tỷ đồng, dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương 475,727 nghìn tỷ đồng. So với năm 2024, tổng chi đầu tư phát triển được Quốc hội thông qua tăng 112 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số chi đầu tư phát triển chiếm 31% tổng chi ngân sách nhà nước, nếu loại trừ tăng chi tiền lương thì chiếm 33% tổng chi ngân sách nhà nước, là rất tích cực.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giải ngân đầu tư công nếu được thực hiện nhanh, theo kế hoạch sẽ là động lực quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng, với tác động lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành nghề khác.

Ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2025 vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với việc khởi động loạt dự án mới.

Theo ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt 6,9%. Tuy nhiên, nếu giải ngân đầu tư công đạt 100%, mức tăng trưởng GDP có thể cao hơn 8%, thậm chí 9%...

Tại Công điện về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 ban hành ngày 20/12/2024, trong các giải pháp làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, giải ngân đầu tư công được nhắc đến đầu tiên. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tháo gỡ vướng mắc từng dự án, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Giải ngân đầu tư công cũng được kỳ vọng có lực đẩy lớn từ việc Luật Đầu tư công 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Tâm nêu rõ, Luật thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin - cho”...

Bên cạnh đó, một số điểm sửa đổi của Luật Đấu thầu được đánh giá sẽ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh quá trình lựa chọn nhà thầu với gói thầu vốn ODA và một số trường hợp đặc biệt… Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, cùng các văn bản hướng dẫn được Chính phủ ban hành cũng sẽ có tác động rõ hơn trong thực hiện dự án đầu tư công năm 2025, tháo gỡ nhiều khó khăn cơ bản liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư công…

Dồn lực cho dự án lớn, tạo bàn đạp tăng trưởng

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đầu tư công 2019, Bộ KH&ĐT thống kê, tổng số dự án đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 4.533 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020 (11.000 dự án). Bộ KH&ĐT đánh giá, vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí tập trung hơn, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí. Ngân sách trung ương dồn lực cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án liên vùng, trọng điểm tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2025, Chính phủ cho biết, có nhiều đổi mới, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án” và những hạn chế, tồn tại trong đầu tư công, ưu tiên các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm việc bố trí vốn cho các dự án văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, vừa ưu tiên cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển các vùng động lực tăng trưởng, cực tăng trưởng. Trong đó sẽ đẩy mạnh tiến độ thi công tất cả các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (80 km), góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh; các tuyến luồng hàng hải quan trọng; cải tạo đường sắt Bắc - Nam; nâng tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, dự án logistics khu vực phía Nam; các hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Quốc lộ 14E, Quốc lộ 28B), cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi…

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Việc xây dựng kế hoạch phải làm sao tạo động lực tăng trưởng cho giai đoạn này, khi Chính phủ đặt mục tiêu hướng tới tăng trưởng hai con số. Nguyên tắc “tập trung bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ, công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái…” được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024.

Tại Công điện về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; bố trí vốn có trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 không quá 3.000 dự án (cả dự án chuyển tiếp và dự án mới); tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm đánh giá, các chính sách mới tại Luật Đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, qua đó giải phóng nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện thực hóa các đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục