Đón quy hoạch sông Hồng: Giá đất bãi 'dựng đứng'

0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ các cò đất, giá đất khu vực ngoài đê tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng tăng chóng mặt sau khi có thông tin Hà Nội đang hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Khu vực dân cư ngoài bãi sông Hồng
Khu vực dân cư ngoài bãi sông Hồng

Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và thống nhất trình các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.

Theo đề án, các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường…

Dựa vào thông tin này, giá đất khu vực ngoài đê tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng tăng chóng mặt. Theo bà Phương (một cò đất khu vực phường Yên Phụ, Tây Hồ) cho biết, từ đầu tháng, giao dịch toàn bộ khu vực ngõ 76 An Dương rất sôi động. Giá đất đã tăng khá nhiều từ sau thông tin quy hoạch. Nếu đất “sổ xanh” (đất nông nghiệp) mặt đường ngõ 76 được bán với giá 60 triệu đồng/m2. Ngách trong thì rẻ hơn, chỉ khoảng 30 triệu/m2. “Đất chỉ mua bán giấy viết tay nhưng có đóng thuế nên không phải lo”, bà Phương khẳng định.

Tham khảo tại khu vực phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, giá đất tại các trục chính như khu Đê Quai, Nước Phần Lan… được đẩy lên khá cao ở mức 40 triệu đồng/m2. Đất này được “cò đất” giới thiệu là đất phi nông nghiệp có đóng thuế hằng năm, có thể xây nhà cao tầng (?!).

Rủi ro mua bán đất đón quy hoạch

Đánh giá về việc mua bán đất tại địa phương, đại diện UBND phường Yên Phụ cho biết, giao dịch thực tế không có bất thường. Ngoài ra, khu vực đất trong ngõ 76 là đất thuộc Cty phát triển xây dựng Hà Nội, đất để lâu năm bị người dân lấn chiếm bất hợp pháp nên chắc chắn không có giấy tờ đóng thuế. Bên ngoài bãi, toàn bộ là đất bãi bồi, không có giấy tờ gì liên quan. “Trên địa bàn không có đất nông nghiệp, chỉ có đất bãi bồi”, đại diện phường khẳng định.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá, đồ án quy hoạch mới về cơ bản không có khái niệm về nhà ở, quỹ đất chủ yếu để phát triển không gian công cộng và bảo tồn nguyên vẹn hiện trạng làng xã. Do đó, việc lướt sóng đất bãi rất mạo hiểm, người mua có nguy cơ mất trắng.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đồng tình với đồ án quy hoạch của thành phố Hà Nội theo hướng đô thị xanh, cảnh quan văn hóa thay vì đô thị cao tầng. Đối với khu vực dân cư, ông Chính cho rằng, chỉ nên giữ khu vực dân cư tập trung, song song với việc tính toán chi tiết việc từng bước di dời người dân ở khu vực thoát lũ, có nguy cơ sạt lở.

Tin cùng chuyên mục