Sẽ có hàng trăm triệu USD đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 2 - 3 tháng tới. Ảnh: Hoài Tâm |
Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất châu Á
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm 2018, cả nước thu hút được 3,34 tỷ USD vốn FDI, trong đó lĩnh vực bất động sản (BĐS) thu hút được 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 3 trong 16 ngành thu hút được FDI (sau công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng).
Trước đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong tháng 1/2018, vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS chỉ đạt 77 triệu USD. Nhưng sang tháng 2/2018, vốn ngoại đổ vào thị trường đạt hơn 230 triệu USD.
Dòng vốn FDI chảy vào địa ốc đã góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường này, thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Ước tính giá trị các thương vụ chuyển nhượng, M&A trong ngành BĐS từ đầu năm 2017 đến thời điểm này đã lên tới gần 10 tỷ USD. Trong đó, rất nhiều thương vụ M&A có sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài như: Warburg Pincus (Mỹ) liên doanh với VinaCapital đầu tư khách sạn; Mapletree (Singapore) mua lại Kumho Asiana Plaza Saigon; Keppel Land (Singapore) liên doanh phát triển khu đất trung tâm cạnh bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm… Đó là chưa kể nhiều thương vụ lớn của các nhà đầu tư trong nước như: Novaland, Sun Group, Vingroup... được thực hiện trong thời gian qua đã tạo nên một diện mạo mới cho thị trường này.
Theo lý giải của các chuyên gia, khả năng sinh lời cao của thị trường BĐS Việt Nam đã tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, và con số ấn tượng về thu hút vốn FDI vào BĐS trong 2 tháng đầu năm 2018 là minh chứng rõ nét nhất.
Ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất châu Á, dựa trên nguồn vốn FDI, số lượng các thương vụ M&A và số lượng doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực BĐS trong thời gian qua. Bên cạnh đó, với dân số gần 100 triệu người, nhu cầu về nhà ở lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, công nghiệp phát triển, và việc nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn du lịch đang mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển thị trường BĐS. Hiện dòng vốn chảy vào thị trường này vẫn rất tích cực, với chiều hướng liên tục tăng lên.
Nhiều tín hiệu đáng mừng
Thực tế, dù bị siết nhưng dòng vốn chảy vào BĐS vẫn rất ấn tượng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 1/2018, dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng thương mại đã đạt trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ. So với thời điểm đầu năm 2017, dư nợ cho vay BĐS tính đến tháng 1/2018 đã tăng khoảng 5%. Một điều đáng mừng là dòng vốn này đã “hâm nóng” thị trường, góp phần xử lý tốt nợ xấu của nền kinh tế.
Ngoài tín dụng, dòng tiền kiều hối cũng là một động lực đáng kể thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Theo ghi nhận của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính từ đầu năm 2017 đến thời điểm này, lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD và khoảng 22% trong số này đổ vào lĩnh vực BĐS.
Một tín hiệu tích cực, theo các chuyên gia, là vốn FDI chảy vào BĐS ngày càng thực chất hơn. Không còn là những con số đăng ký trên giấy, vốn đầu tư giải ngân vào lĩnh vực này đã tăng hơn 20% trong những tháng gần đây.
Theo ông Phan Hữu Thắng, điều này có được là do các doanh nghiệp đã bám sát nhu cầu thị trường, cung cấp những sản phẩm thị trường cần với chất lượng tốt và có nhiều sự lựa chọn. Chính phủ cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, cấp phép nên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI vào BĐS. Có thể nói, chính các yếu tố hỗ trợ về chính sách và pháp lý đã góp phần không nhỏ trong việc “hút” dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS. Trong đó, M&A được dự báo sẽ còn tiếp tục đóng vai trò là một trong những kênh quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS khi kết hợp được thế mạnh của cả hai bên.
Theo dự báo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, sẽ có hàng trăm triệu USD đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong 2 - 3 tháng tới. Lượng vốn này sẽ trải rộng ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc đang sẵn sàng tạo nên một sự sôi động mới sau bước chạy đà từ năm 2017.