Động lực mới cho “cỗ máy” phát triển

(BĐT) - Để tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, trong bối cảnh hiện nay và tầm nhìn dài hạn, Việt Nam sẽ cần những động lực tăng trưởng mới. Nhiều lời giải, những khuyến nghị chính sách đã được đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất diễn ra hôm qua (5/12).
Thúc đẩy và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là một trong hai động lực tăng trưởng mới của đất nước. Ảnh: Lê Tiên
Thúc đẩy và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là một trong hai động lực tăng trưởng mới của đất nước. Ảnh: Lê Tiên

Thực hiện đồng thời cải cách và phát triển để không tụt hậu

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hành trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Trong nước, Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn. Khi giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc này, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi mà những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội, vừa tạo ra những rủi ro mới.

Bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức, cơ hội và rủi ro đan xen, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để bứt phá bởi Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quý. Đó là cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cơ hội tiếp cận và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ hội về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi... “Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta! Chúng ta không thể không nắm bắt lấy những cơ hội quan trọng này. Chúng ta phải cải cách và phát triển với tất cả sự quyết tâm, với sức mạnh mà hơn 30 năm trước chúng ta đã làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Từ quan điểm “nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, động lực tăng trưởng nền móng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác. 

Bổ sung 2 đột phá chiến lược mới 

Chia sẻ về động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Đó là cải cách thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.

Một là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0. Thủ tướng cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá.

Động lực quan trọng thứ hai là thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.

Quan điểm của Chính phủ hoàn toàn phù hợp với những khuyến nghị của các tổ chức, chuyên gia, học giả hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn. Trong số 4 nhóm giải pháp ưu tiên để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng, không chỉ về mặt số lượng mà quan trọng nhất là về chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng, ông Ousmane Dione chỉ ra đầu tiên là đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước. Từ đó đưa khu vực tư nhân trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, cải cách DN nhà nước nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị DN, thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời thúc đẩy, tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với động lực đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0, ông Huỳnh Thế Du thuộc Đại học Fulbright Việt Nam khuyến nghị, ngoài cải cách các thể chế, chính sách chính thức, Chính phủ cần lưu tâm đến nhu cầu thay đổi tự thân và áp lực đổi mới sáng tạo của chính DN, hay những thể chế phi chính thức, văn hóa kinh doanh, tư duy đầu tư đang là rào cản đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích đúng hướng, trao “cây sáo tốt nhất” cho “người thổi sáo hay nhất” để Việt Nam trở thành nơi nuôi dưỡng, khuyến khích tài năng, đổi mới sáng tạo.