Đồng Nai tập trung gỡ tắc cho nhiều dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù tích cực tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, vật liệu đắp nền, song tiến độ thi công nhiều dự án hạ tầng tại Đồng Nai vẫn còn chậm. Hàng nghìn tỷ đồng vốn đã phân bổ nhưng chưa thể “tiêu”, gây áp lực lớn cho địa phương này trong những tháng cuối năm.
7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,25% kế hoạch vốn cả năm. Ảnh: Song Lê
7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,25% kế hoạch vốn cả năm. Ảnh: Song Lê

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn Tỉnh đạt hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,25% kế hoạch vốn năm 2024. Đáng lo ngại là ngoài kết quả giải ngân thấp, có tới 13 đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn 0%.

Với mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%, đầu năm 2024, Đồng Nai tổ chức hội nghị ký kết thi đua giữa các chủ đầu tư, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công với cam kết trong 6 tháng đầu năm sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, chỉ có 5 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân trên 50% là các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú; TP. Long Khánh; Sở Y tế và Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, mặc dù tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến nay cao hơn so cùng kỳ năm 2023, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức bình quân chung cả nước (34,6%). Trong vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ giải ngân vốn của Đồng Nai đứng thứ 3. Nguyên nhân giải ngân thấp vẫn là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, vốn bố trí cho công tác bồi thường, GPMB chiếm 40% trong tổng kế hoạch vốn năm 2024, nhưng Đồng Nai có đến 72 trong tổng số 78 dự án chưa hoàn thành công tác này.

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai là hơn 19,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch giao năm 2024 hơn 15,1 nghìn tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024 hơn 4,1 nghìn tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, tại Đồng Nai, nhóm dự án giao thông trọng điểm gặp vướng mắc về mặt bằng và chưa thể tăng tốc thi công. Đơn cử, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB nên chưa tổ chức thi công đồng loạt. Bên cạnh đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai; Dự án Đường Hương lộ 2, Dự án Đường ven sông Cái từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản; Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (TP. Biên Hòa)… cũng gặp vướng mắc tương tự.

Là chủ đầu tư được bố trí nguồn vốn lớn nhất trong Tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cần giải ngân hơn 2 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, Ban đạt tỷ lệ giải ngân hơn 24%. Để tăng tốc giải ngân, ông Linh cho biết, Ban sẽ phối hợp với các địa phương thúc đẩy công tác GPMB trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, vấn đề thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông rất căng thẳng. Đối với cát đắp nền, Đồng Nai có kiến nghị các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác để đủ điều kiện đưa các mỏ vào khai thác. Tuy nhiên, hiện nay các nhà thầu vẫn phải chờ nguồn cát đắp nền này để thi công. Đối với đất đắp, vướng mắc lớn nhất là thủ tục đất đai. Theo đó, để được giao đất, cho thuê đất thì nhà thầu phải thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất; tự thỏa thuận bồi thường, GPMB với người dân. Đây là yếu tố đẩy giá thành vật liệu lên cao.

Trong thời gian còn lại của năm 2024, Đồng Nai cần giải ngân số vốn khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Đây là áp lực lớn đối với Tỉnh. Do đó, ông Võ Tấn Đức yêu cầu, các chủ đầu tư xây dựng lại đường găng giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm để theo dõi, đôn đốc tiến độ giải ngân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đặc biệt, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB dự án.

Tin cùng chuyên mục