Năm 2024, quy mô GRDP vùng Đông Nam Bộ đạt 3.774.696 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Theo số liệu thống kê, quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng Đông Nam Bộ năm 2024 đạt 3.774.696 tỷ đồng, đứng đầu các vùng kinh tế của cả nước. Đông Nam Bộ tiếp tục là vùng phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của khu vực.
Trong đó, TP.HCM dẫn đầu với GRDP khoảng 1.778.271 tỷ đồng, chiếm gần 47% tổng GRDP của Vùng, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính và công nghiệp. Kế đến, với GRDP năm 2024 đạt 520.205 tỷ đồng, Bình Dương tiếp tục phát huy lợi thế từ các khu công nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa thông qua các dự án công nghệ cao. Trong khi đó, Đồng Nai có quy mô GRDP khoảng 493.819 tỷ đồng, giữ vững vị trí là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo và logistics quan trọng. Duy trì vai trò chủ lực trong lĩnh vực dầu khí, hóa dầu và cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận tăng trưởng GRDP nhanh nhất trong Vùng, đạt 417.306 tỷ đồng (tăng 11,72%). Các địa phương trong Vùng là Long An, Tây Ninh và Bình Phước có GRDP lần lượt đạt 188.588 tỷ đồng, 123.878 tỷ đồng và 115.357 tỷ đồng.
Năm 2025, nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, tăng trưởng 2 con số là chỉ tiêu cao và thách thức, do đó, Thành phố phải tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu này. Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, Tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP.
Theo các chuyên gia, năm 2025, dù còn đối mặt với nhiều thách thức, vùng Đông Nam Bộ vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Vùng.
Trong khi đó, vốn đầu tư công năm 2025 của các địa phương trọng điểm trong Vùng tiếp tục duy trì ở quy mô lớn. Tính riêng TP.HCM và 3 địa phương là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, tổng kế hoạch vốn đầu tư công lên tới hơn 104.000 tỷ đồng (TP.HCM 84.100 tỷ đồng, Bình Dương 36.000 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 19.900 tỷ đồng, Đồng Nai 12.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, các siêu dự án trong Vùng cũng được kỳ vọng là động lực quan trọng, nền tảng vững chắc, thúc đẩy sự chuyển mình toàn diện cho phát triển bứt phá từ năm 2025. Trong đó, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD) đang được tăng tốc xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026. Dự án giúp nâng cao năng lực kết nối quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội phát triển dịch vụ logistics, thương mại và du lịch cho toàn vùng Đông Nam Bộ.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (vốn đầu tư 4,8 tỷ USD) với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận tải biển khu vực và thế giới; Dự án Điện khí Nhơn Trạch 3 - 4 (vốn đầu tư 1,4 tỷ USD) giúp giải quyết bài toán năng lượng chiến lược cho vùng kinh tế trọng điểm. Cùng với đó là các dự án hạ tầng giao thông đường bộ quan trọng đang được triển khai như Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài…
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, những thách thức mà khu vực doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2025 là nhu cầu vốn vay để mở rộng sản xuất, vốn lưu động cho đơn hàng xuất khẩu, thiếu nguồn đất khu công nghiệp… Bên cạnh đó, sự biến động khó lường của thị trường xuất khẩu cũng là một rào cản. Để giải quyết những thách thức này, các doanh nghiệp mong đợi chính quyền địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược. Chỉ bằng những nỗ lực không ngừng, Đông Nam Bộ mới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP cao và giữ vững vị trí dẫn đầu về quy mô kinh tế của cả nước.