Tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh Đồng Tháp chỉ ở mức thấp. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa hoàn thành kế hoạch giao vốn
Về phân bổ vốn và quản lý thực hiện kế hoạch vốn đầu tư theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả kiểm tra của Bộ KH&ĐT cho thấy, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức rà soát 569 dự án với tổng số vốn là 553 tỷ đồng. Trong đó, có 545 dự án bố trí vốn đảm bảo nguyên tắc của Chỉ thị với tổng số vốn là 517 tỷ đồng; 24 dự án bố trí vốn không đảm bảo nguyên tắc với tổng số vốn là 36 tỷ đồng.
Về phân bổ vốn và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư từ năm 2012 - 2015, hầu như các ngành, địa phương trong Tỉnh chưa hoàn thành theo kế hoạch vốn được giao; phần lớn là khoảng trên 80%, có những dự án có giá trị khối lượng thực hiện và kết quả giải ngân chỉ khoảng 20 - 30% kế hoạch được giao. Theo Bộ KH&ĐT, việc không hoàn thành kế hoạch vốn hàng năm là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư.
Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh Đồng Tháp chỉ đạt mức thấp. Cụ thể, tổng mức đầu tư các dự án là 12.923 tỷ đồng, nhưng lũy kế giải ngân đến ngày 31/10/2015 chỉ đạt 5.359 tỷ đồng, tức là thiếu tới hơn 50% nhu cầu tổng mức đầu tư (7.564 tỷ đồng). Mặc dù vậy, hầu hết các dự án vẫn được UBND tỉnh Đồng Tháp báo cáo là hoàn thành.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT còn chỉ rõ, công tác lập, thẩm định, quyết định và thực hiện một số dự án đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế như: quyết định đầu tư dự án thiếu căn cứ pháp lý; báo cáo thẩm định dự án không nêu nhận xét, đánh giá của cơ quan thẩm định về từng nội dung cụ thể của dự án... Một số dự án được phê duyệt khi chưa có ý kiến thẩm định nguồn vốn của Bộ KH&ĐT (đối với nguồn vốn trung ương) và chưa có cơ cấu nguồn vốn trong quyết định đầu tư.
Điều chỉnh dự án 4 lần trong 6 tháng
Việc điều chỉnh dự án tùy tiện là một trong những vấn đề được Bộ KH&ĐT đặc biệt lưu ý trong công tác đầu tư công tại địa phương này. Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của Bộ KH&ĐT, một số dự án điều chỉnh quá nhiều, có những dự án theo kế hoạch ban đầu chỉ thực hiện trong 1 năm, tuy nhiên do điều chỉnh nhiều lần mà thời gian triển khai dự án đã bị kéo dài thêm 8 tháng. Cá biệt, có dự án chỉ thực hiện trong 6 tháng nhưng bị điều chỉnh tới 4 lần.
Ngược lại, một số dự án thuộc diện phải thực hiện điều chỉnh quyết định phê duyệt nhưng chủ đầu tư lại không thực hiện thủ tục này. Điển hình như trường hợp của Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành. Dự án này theo báo cáo đã được phê duyệt với nguồn vốn đầu tư bao gồm vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách Tỉnh, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư chỉ sử dụng một nguồn vốn là ngân sách Tỉnh. Mặc dù thay đổi cơ cấu nguồn vốn so với phê duyệt trước đó, nhưng chủ đầu tư lại không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.
Tại Dự án Đầu tư tư xây dựng công trình 7 cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp, mặc dù tổng dự toán vượt tổng mức đầu tư, nhưng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã không được chủ đầu tư thực hiện.
Trường hợp khác, tại Dự án Đường An Khánh - An Phú Nhuận, mặc dù tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh (tăng từ 34,2 tỷ đồng lên 49,4 tỷ đồng) nhưng lý do điều chỉnh lại không đúng quy định của pháp luật (không được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi giá vật tư, nhiên liệu).
Cũng qua kiểm tra, Bộ KH&ĐT còn phát hiện nhiều dự án có giá trị khối lượng hoàn thành thấp hơn rất nhiều so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Điển hình như: Dự án Trường Trung cấp Dạy nghề giao thông vận tải Đồng Tháp (giảm từ 132 tỷ đồng xuống 80 tỷ đồng), Dự án Đầu tư hạ tầng nuôi cá tra huyện Thanh Bình, Dự án Xây dựng Bệnh viện Sa Đéc, Dự án Đầu tư xây dựng công trình 7 cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp, Dự án Đường vào Khu công nghiệp Sa Đéc mở rộng. Nguyên nhân chủ yếu của việc các dự án có khối lượng hoàn thành thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư được phê duyệt được Bộ KH&ĐT chỉ ra là do giá trúng thầu giảm nhiều, chi phí dự phòng cao (không phải dùng đến).