Theo ông Takeo Nakajma - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Độ phủ vắc xin phòng Covid-19 cũng chưa rộng, tỷ lệ người tiêm vắc xin mũi hai mới đạt khoảng 6 - 7% dân số. Nhà máy phải thực hiện các biện pháp “3 tại chỗ” để đảm bảo sản xuất an toàn. Ngoài ra còn có một số khó khăn về di chuyển, vận chuyển linh kiện, sản phẩm, tuyển dụng lao động vì người lao động về quê tránh dịch không quay trở lại nhà máy… Nhiều doanh nghiệp bị mất đơn hàng. Do đó, một số doanh nghiệp có thể đang nhìn nhận lại kế hoạch đầu tư.
Theo đánh giá của ông Takeo Nakajma, những tháng gần đây, có nhiều rủi ro hơn, nhưng chỉ là ngắn hạn và đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Những khó khăn trên chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, còn ở khu vực phía Bắc và Hà Nội nói riêng đã kiểm soát dịch tốt hơn, bắt đầu nới lỏng giãn cách và kinh tế dần phục hồi. Làn sóng dịch bệnh thứ tư bắt đầu nhìn thấy điểm kết thúc. Khi trình độ và tiêu chuẩn y tế được nâng lên, tiêm vắc xin nhiều hơn thì kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh như trước khi có dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, trong tháng 8/2021, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 65% so với tháng trước. Trong đó, chủ yếu là vốn đăng ký mới, đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đáng chú ý, theo ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều tới xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam, để tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể nhanh chóng vận hành sản xuất kinh doanh.
Một số thương vụ M&A đình đám của doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2020 chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính - ngân hàng, dược phẩm, y tế… Chẳng hạn như, Mitsubishi Corporation và Nomura công bố mua 80% cổ phần trong giai đoạn 2 của Dự án Vinhomes Grand Park (Vingroup); một ngân hàng của Nhật mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua lại 36% cổ phần của và Công ty CP Ecoba Việt Nam; Công ty Pharmaceutical ASKA mua 14,9% cổ phần của Công ty CP Dược Hà Tây…
“Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiến hành đầu tư tại Việt Nam, trong đó một số đăng ký đầu tư và thị sát trực tuyến. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư tin cậy. Mặc dù các quốc gia khác có thể có dân số và GDP lớn hơn, nhưng số lượng hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là cao nhất khu vực Đông Nam Á (2.000 doanh nghiệp), bởi Việt Nam có nhiều thành phố lớn trải dài khắp cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ…”, đại diện JETRO tại Hà Nội nhận định.
Lý giải điều này, ông Tạ Đức Minh cho rằng, đầu tư nước ngoài là hoạt động mang tính dài hạn. Nhà đầu tư thường nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định rót vốn. Cho nên, những khó khăn ngắn hạn không làm thay đổi hoàn toàn quyết định đầu tư.
Theo Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC), trong khi nhiều nước trên thế giới có mức tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương. Một trong những lý do tăng trưởng dương là Việt Nam đã có chính sách đầu tư - thương mại chiến lược và tích cực. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định như CPTPP, VJEPA, RCEP… thúc đẩy đầu tư và giao lưu thương mại. Việt Nam gây chú ý trên thế giới với tư cách là một cứ điểm sản xuất. Với hơn 300 khu công nghiệp, Việt Nam đã tạo nên chuỗi cung ứng đa diện, mạnh mẽ.