Cùng với việc đón đầu làn sóng dịch chuyển FDI, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Lê Tiên |
Trong đó, nhiều ý kiến tại Nghị trường trong Phiên thảo luận ngày 15/6 cho rằng, cần nhiều giải pháp đột phá để vừa tranh thủ cơ hội đón sóng đầu tư nước ngoài, vừa phát triển mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước nhằm củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế, có thể bứt phá sau dịch Covid-19.
Chính sách cạnh tranh hơn nữa để đón sóng FDI
Theo nhiều đại biểu, các nước đang phải tiếp tục tập trung phòng, chống dịch, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn chính là cơ hội để Việt Nam tập trung phát triển kinh tế nhanh hơn, có điều kiện rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới. Vấn đề đặt ra là làm sao phải tranh thủ tận dụng cơ hội này, nhất là việc đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài - một trong năm mũi giáp công để phục hồi nền kinh tế đang được sắp xếp lại bởi các nước thời kỳ hậu Covid-19.
Theo đại biểu Phan Ngọc Thọ - đoàn Thừa Thiên Huế, trong bối cảnh hiện nay, để đón đầu và đón được những nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài thì Chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn xa, hành động kịp thời cùng với chính sách thu hút hấp dẫn hơn như đã có, đủ sức cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực.
Khuyến nghị 3 nhóm chính sách cụ thể, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn Nam Định cho rằng, để thu hút tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, thứ nhất cần có những ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. Thứ hai, Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách mới, có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Thứ ba, cần dành thêm nguồn lực đầu tư cho hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng…, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - đoàn Nghệ An, đồng thời với xúc tiến đầu tư nước ngoài mới, cần phải quan tâm đến các nhà đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai ở nước ta. “Thực tế hiện nay vẫn còn những nhà đầu tư, những dự án đã được cấp phép, nhưng quá trình triển khai đang gặp khó khăn về chính sách, giải phóng mặt bằng ở các địa phương. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát và tạo điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí”, đại biểu Hiền nói.
Đồng hành với phát triển doanh nghiệp trong nước
Song hành với thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều ý kiến nhấn mạnh chú trọng khu vực DN trong nước, vì đây chính là nền tảng quan trọng để củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế, chống chịu cú sốc bên ngoài.
Theo Đại biểu Trần Thị Hằng - đoàn Bắc Ninh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách rất đúng, rất trúng và rất thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao khâu tổ chức và thời điểm thực hiện để các chính sách được thực thi đúng mục đích. Mặt khác, đề xuất Chính phủ cần có gói hỗ trợ vay vốn không lãi suất hoặc là lãi suất thấp…, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường mới để DN có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, với tài khóa, mức nợ công như hiện nay, có dư địa cắt giảm, hoãn thuế cho khu vực DN trong nước với liều lượng mạnh hơn. Ông Lộc khuyến nghị ban hành gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho DN bị ảnh hưởng nặng...
Ở góc độ khác, đại biểu Bùi Thanh Tùng - đoàn Hải Phòng khuyến nghị, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của DN, vì các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, giải quyết thủ tục cho các dự án đầu tư của DN.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tác động của dịch bệnh chỉ rõ hạn chế nội tại của nền kinh tế, là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng; đánh giá đúng thực lực khu vực DN trong nước, qua đó hỗ trợ DN trong nước cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia được các chuỗi giá trị. Đồng thời, mở ra cơ hội vàng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc...
Thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Chính phủ sẽ chủ động điều hành chính sách để bảo đảm các cân đối lớn, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu. Yêu cầu quan trọng nhất là củng cố, duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh, chớp thời cơ thuận lợi, tận dụng cơ hội phục hồi. Triển khai song hành các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, hỗ trợ ngay cho khu vực tư nhân trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội sau khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực... Đồng thời tận dụng cơ hội đón nhận được làn sóng mới nhất là nhà đầu tư lớn... Chính phủ chú trọng thu hút có chọn lọc, tạo cơ hội cho DN Việt Nam được tham gia vào các chuỗi giá trị của DN mới này...