Đột phá từ cải cách tiền lương

(BĐT) - Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003, song vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ảnh: Nhã Chi
Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003, song vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ảnh: Nhã Chi

Đây là một trong những điểm mới đột phá trong Đề án cải cách chính sách tiền lương được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) đang diễn ra.

Khắc phục nhiều hạn chế, bất cập

Tại Hội nghị Trung ương 7, các đại biểu sẽ cho ý kiến về Đề án cải cách chính sách tiền lương  đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).

Nhấn mạnh thông điệp quan trọng cần thiết khắc phục bất cập, hạn chế trong chính sách tiền lương hiện hành, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 diễn ra sáng ngày 7/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đã đến lúc chúng ta phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương. Quyết tâm tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu: “Cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…”.

Về vấn đề cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, chính sách tiền lương là bộ phận quan trọng, quan hệ chặt chẽ với chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng.

Đến nay, nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (năm 1960, năm 1985, năm 1993, năm 2003), song vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người được hưởng lương còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Tiền lương của khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực DN… Thiết kế bảng lương phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh, mà mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động”.

Đối với khu vực DN, quy định về tiền lương tối thiểu chưa cụ thể, tiêu chí xác định còn nhấn mạnh vào nhu cầu sống tối thiểu; chưa quy định mức lương tối thiểu theo giờ; chức năng bảo vệ người lao động yếu thế còn hạn chế. Việc quy định một số nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương còn ảnh hưởng đến quyền tự chủ tiền lương của DN... 

Tạo động lực nâng cao năng suất lao động

Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN có rất nhiều điểm mới. Đề án đặt mục tiêu xây dựng chế độ tiền lương mới đối với khu vực công, thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.  Đề án xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực DN. Theo đó, hệ thống thang, bảng lương hiện hành ở khu vực công sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là ban hành hệ thống bảng lương mới; đồng thời xây dựng 2 bảng lương mới với khu vực công…

Trong bối cảnh tiềm lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, DN còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, tiền lương là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Việc cải cách chính sách tiền lương liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao và cần có thời gian phát huy hiệu quả. Hơn nữa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ biến đổi rất nhanh và cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, cải cách toàn diện, tổng thể chính sách tiền lương để không là trở ngại, mà trở thành một công cụ quan trọng khuyến khích và thu hút các nguồn lực lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đánh giá cao sự cần thiết của Đề án cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việc cải cách chính sách tiền lương là rất cần thiết. “Hiện chúng ta vẫn duy trì hai mức lương khác nhau ở khu vực công và DN, làm chi phí dịch chuyển cao nên cần phải đưa đến chính sách tiền lương một giá (tiền lương tối thiểu)”, bà Hương nói. Hơn nữa, theo bà Hương, ở khu vực công hầu hết là nhân lực chất lượng cao, nên việc đòi hỏi chế độ tiền lương đúng đủ để trọng dụng người tài cống hiến cho đất nước. Vì thế, chúng ta phải nhìn tiền lương như một đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực tăng năng suất lao động.

Về đề xuất DN được tự chủ quyết định chính sách tiền lương như Đề án đưa ra, bà Hương cho rằng, đây là một xu hướng phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của DN.