Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, được xây dựng tại địa bàn xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Song Lê |
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT là việc khai thác, sử dụng tài sản dùng chung do Bộ Quốc phòng đầu tư, quản lý và chuyển giao công trình quản lý hoạt động bay.
Là cảng hàng không lưỡng dụng, nên các công trình quân sự trong sân bay Phan Thiết thuộc tài sản đặc biệt. Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, không được sử dụng tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và hình thức kinh doanh khác. Do đó, việc khai thác, sử dụng tài sản do Bộ Quốc phòng đầu tư, quản lý tại sân bay Phan Thiết tham gia vào dự án PPP là không phù hợp với quy định.
Trong Báo cáo kết quả thẩm định (tháng 6/2024), Hội đồng thẩm định liên ngành đã có ý kiến về việc hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang hoàn thiện Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không” để trình cấp có thẩm quyền. Đề án đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phép tháo gỡ vướng mắc tại một số luật để thực hiện dự án PPP tại một số cảng hàng không, trong đó có cảng hàng không Phan Thiết. Do vậy, dự án này có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt việc sử dụng, khai thác tài sản quốc phòng đã đầu tư xây dựng khi Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm trên. Trong thời gian chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì với Bộ GTVT và Tỉnh thực hiện 2 nội dung.
Một là, không đưa các công trình kết cấu hạ tầng thuộc khu bay dùng chung (gồm: đường cất hạ cánh, đường lăn, sân chờ; hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác; đài dẫn đường (VOR/DME); đèn tín hiệu, biển báo...) sau khi đầu tư vào danh mục tài sản đặc biệt. Hai là, xác định tính chất các công trình thuộc khu bay dùng chung là công trình lưỡng dụng theo quy định tại Điều 7 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng lưỡng dụng; nghiên cứu phương án vận hành, khai thác, bảo trì cho phù hợp.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT chưa thống nhất được phương án giao cơ quan chủ trì, xử lý việc khai thác, sử dụng tài sản dùng chung do Bộ Quốc phòng đầu tư, quản lý. Theo Thông báo số 165/TB-VPCP (ngày 4/11/2024) của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục tài sản đặc biệt theo hướng huy động được nguồn vốn xã hội, bảo đảm khai thác, sử dụng phục vụ hàng không dân dụng đối với các sân bay lưỡng dụng.
Ngoài ra, Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng lưu ý, tỉnh Bình Thuận bổ sung việc chuyển giao công trình quản lý hoạt động bay cảng hàng không gồm: đài kiểm soát không lưu (đài chỉ huy) và hệ thống quan trắc khí tượng tự động (AW0S) sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam quản lý, sử dụng.
Một điểm vướng nữa là phương án tài chính thực hiện Dự án. Bộ Tài chính cho biết, Dự án có thể hoàn vốn trong 44 năm 11 tháng với tỷ suất nội hoàn tài chính là 10,461% (cao hơn tỷ suất chiết khấu của dòng tiền là 10,346%), giá trị hiện tại ròng là 6.734,24 triệu đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá phương án tài chính của Dự án có tính khả thi thấp. Bộ này đề nghị, tỉnh Bình Thuận rà soát số liệu đầu vào của phương án tài chính, cập nhật các chỉ tiêu tài chính; bảo đảm tính thống nhất các số liệu và tính khả thi của phương án tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cũng về phương án tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Dự án có nhu cầu vay vốn tín dụng lớn, chiếm 85% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, Dự án có thời gian hoàn vốn rất dài và mức độ rủi ro cao nên khó có khả năng huy động vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đề nghị tỉnh Bình Thuận nghiên cứu, có phương án đa dạng các nguồn vốn huy động để đầu tư Dự án, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn vốn cụ thể; tránh tình trạng Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, không huy động được đủ vốn đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.