Các dự án năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành thương mại sẽ đóng góp đáng kể cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Lê Tiên |
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công thương vừa tổ chức chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm gần đây, Ninh Thuận xem việc phát triển NLTT là một trong những khâu đột phá, động lực phát triển kinh tế của địa phương. “Năm 2024, lĩnh vực NLTT đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách của tỉnh Ninh Thuận”, ông Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển NLTT là chủ trương mới, chưa có tiền lệ, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể tại Kết luận số 1027.
Ông Hoàng cho biết, theo kết luận này, Ninh Thuận có 14 dự án điện tái tạo hưởng giá FIT không đúng đối tượng thuộc Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 và Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 2/11/2019. Các dự án này chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán tiền điện cho doanh nghiệp với con số qua báo cáo và rà soát lên tới nhiều tỷ đồng.
Theo đó, ông Trịnh Minh Hoàng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc dự án NLTT cũng như kết luận của Thủ tướng về vấn đề trên.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật về phát triển NLTT bảo đảm đầy đủ, đồng bộ về quy định, hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Cơ chế, chính sách giá mua điện NLTT bảo đảm hấp dẫn nhà đầu tư. Rút ngắn thủ tục hành chính trong lĩnh vực triển khai đầu tư dự án chuyên ngành điện…
Nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm được tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc ở các dự án năng lượng tái tạo để không làm lãng phí nguồn lực đầu tư. Ảnh: Nhã Chi |
Được biết, hiện Ninh Thuận đang dự thảo kế hoạch tổ chức thực hiện, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn các dự án NLTT theo Nghị quyết số 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ. Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị hướng giải quyết cho 4 nhà máy điện mặt trời bị EVN tạm dừng thanh toán hoặc tạm thanh toán 50% sản lượng điện phát lên lưới do vướng mắc về địa điểm, ranh giới thực hiện dự án. Với các dự án điện mặt trời chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới, Tỉnh đề xuất, chọn phương án thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch, tích hợp và việc thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch)...
Bên cạnh Ninh Thuận, nhiều địa phương khác có dự án điện tái tạo mắc sai phạm được chỉ ra trong Kết luận số 1017 của Thanh tra Chính phủ như: Đắk Nông, Đắk Lắk… cũng đang ngóng chờ hướng dẫn triển khai tháo gỡ vướng mắc nhằm khai thông, phát huy hiệu quả nguồn lực đã đầu tư.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nếu được khơi thông, các dự án điện gió sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách địa phương. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh Đắk Nông là một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn sớm được tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc ở các dự án. Bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, năm 2020, Công ty đã hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam sớm 4 năm, đường dây 500kV Thuận Nam - TBA 500kV Vĩnh Tân sớm 2 năm so với tiến độ được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện phần công suất 172 MW của Dự án đã phát điện lên lưới từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/8/2022 được EVN huy động và ghi nhận sản lượng 687.095.791kWh vẫn chưa được thanh toán. “Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho Công ty”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, việc Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện NLTT là tín hiệu tích cực, nhưng cần những hành động cụ thể của các bên để tháo gỡ thực sự được những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm nay. Theo ông Thịnh, chỉ khi những vướng mắc được tháo gỡ dứt điểm, nhà đầu tư mới yên tâm “xuống tiền” đầu tư vào các dự án NLTT.
Theo Kết luận số 1027 của Thanh tra Chính phủ, có 14 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hưởng cơ chế giá FIT không đúng đối tượng.
Có 20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản, trong đó có 6 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, 14 dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
40 dự án có trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai có sai phạm, trong đó, Long An có 3 dự án được phê duyệt sử dụng đất tăng sai so với quy định, 6 dự án khởi công xây dựng khi chưa được cho thuê đất; Bình Thuận có 2 dự án cho thuê diện tích sử dụng đất tăng sai so với quy định; Bình Phước có 1 dự án xây dựng với một phần diện tích chưa được cho thuê đất; Đắk Nông có 7 dự án khởi công xây dựng khi chưa được cho thuê đất…