Thực hiện thủ tục phá sản Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2 năm sau khi đưa vào vận hành thương mại, tháng 4/2015, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio-Ethanol Dung Quất), vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, tạm dừng sản xuất. Dù có nỗ lực cải tiến, song Dự án vẫn trở thành “khối sắt vụn” cho đến nay. Phương án trả nợ, xử lý “khối sắt vụn” đồ sộ đang lãng phí từng ngày như thế nào vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất hoang vắng, xuống cấp sau thời gian dài ngừng sản xuất. Ảnh: Thanh Ba
Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất hoang vắng, xuống cấp sau thời gian dài ngừng sản xuất. Ảnh: Thanh Ba

Tháng 4/2009, Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) làm chủ đầu tư được khởi công tại xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) thuộc Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) và được đưa vào vận hành thương mại năm 2012 với công suất chế biến 100 triệu lít/năm, bình quân mỗi ngày cho ra 330 tấn sản phẩm ethanol. Theo báo cáo, năm 2015 là thời gian nhà máy vận hành hiệu quả nhất nhưng tổng số ngày sản xuất chỉ hơn 1 tháng/năm, sản lượng chưa đầy 7.000 m3 xăng E100 (khoảng 12% công suất thiết kế), cung cấp gần 90% sản lượng cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) để phối trộn xăng E5. Năm 2016, Nhà máy dừng sản xuất do thiếu vốn lưu động mua nguyên liệu, giá thành sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ.

Theo đánh giá, các chỉ tiêu kinh tế trong thực hiện đầu tư cũng như sau khi Nhà máy đi vào hoạt động đều không đạt theo báo cáo đầu tư Dự án. Giá thu mua sắn nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg, sau đó tăng lên gần 4.500 đồng/kg, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 60 - 65% dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Ngoài ra, giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu, khiến giá ethanol giảm theo, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất; thị trường tiêu thụ xăng E5 trong nước cũng chưa phổ biến, hoạt động cầm chừng nên ngay từ năm đầu tiên đi vào vận hành, Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đã báo lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

Để tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, giá thành sản phẩm, áp dụng công nghệ nâng cao hiệu suất lên men, phối trộn nguyên liệu sắn, phối trộn than, xem xét tận dụng các tiện ích (điện, hơi), từ 2016 - 2018, Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất tạm dừng hoạt động để cải tiến. Sau khi hoàn thành cải tiến, năm 2018, Công ty CP Nhiên liệu sinh học miền Trung hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) để nhận gia công ethanol từ nguyên liệu do Tocontap cung cấp. Hợp đồng có thời hạn 10 năm, chia làm hai giai đoạn, với chi phí gia công là 3.000 đồng/lít. Tocontap cam kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng trong 12 tháng đầu và hỗ trợ chi phí sửa chữa, đưa máy móc vào vận hành. Tuy nhiên, việc hợp tác này vẫn không thể giúp BSR-BF “hồi sinh”.

Thua lỗ, không có dòng tiền, Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất còn phải “gánh” khoản lãi vay ngân hàng liên tục tăng qua các năm. Năm 2021, các ngân hàng tài trợ tín dụng đã khởi kiện Công ty CP Nhiên liệu sinh học miền Trung lên Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi về các khoản vay quá hạn và lãi vay. Đến ngày 26/9/2023, Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi ban hành Bản án số 08/2023/KDTM-ST, buộc BSR-BF phải thanh toán cho các ngân hàng tổng cộng khoảng 58,7 triệu USD cùng 140,9 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục trả lãi phát sinh theo thỏa thuận.

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của BSR-BF, tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 1.532 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng, nợ quá hạn thanh toán 1.567 tỷ đồng. BSR-BF thiếu hụt trầm trọng vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Ngày 22/2/2024, BSR-BF đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để mở thủ tục phá sản. Cuối tháng 5/2024, Tòa án ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF. Tìm câu trả lời về phương án trả nợ, xử lý “khối sắt vụn” đồ sộ đang lãng phí từng ngày, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với lãnh đạo BSR-BF nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất do Liên danh PTSC - Alfa Laval (Ấn Độ) làm nhà thầu; thầu phụ cung cấp bản quyền công nghệ là Delta-T (Mỹ). Đây là một trong ba nhà máy nhiên liệu sinh học yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, bao gồm: Ethanol Phú Thọ, Ethanol Dung Quất và Ethanol Bình Phước.

Tin cùng chuyên mục