Nhiều ưu đãi thúc đẩy đầu tư điện tái tạo, năng lượng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới của Chính phủ đề cập nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng mới. Theo các chuyên gia, nếu các ưu tiên, ưu đãi đủ mạnh sẽ thu hút doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước chọn đầu tư vào dự án điện tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định đề xuất nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với điều kiện góp tối đa 65% vốn. Ảnh: Nguyễn Cường
Dự thảo Nghị định đề xuất nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với điều kiện góp tối đa 65% vốn. Ảnh: Nguyễn Cường

Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2025 nêu rõ, Nhà nước có chính sách về phát triển điện lực nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình điện, trong đó có chính sách phát triển NLTT, điện năng lượng mới. Quy định này tạo nền tảng để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu điện năng theo hướng carbon thấp, đạt mục tiêu giảm phát thải và bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững.

Cụ thể hóa quy định của Luật, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực đề xuất một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với các dự án NLTT, năng lượng mới. Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Nghị định này.

Cụ thể, dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được hưởng cơ chế ưu đãi với việc được ưu tiên huy động nguồn điện theo quy định hiện hành về hệ thống điện và thị trường điện.

Với hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ phục vụ cho các dự án điện gió, điện mặt trời, Dự thảo quy định: “Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam được khuyến khích và hỗ trợ phát triển theo quy định tại Điều 8 Luật Điện lực và quy định pháp luật có liên quan; Nhà nước ưu tiên thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất tấm quang năng, tua bin điện gió, thiết bị chuyển đổi nguồn điện”.

Với dự án năng lượng mới (Hydrogen xanh, Amoniac xanh và dạng năng lượng mới khác), ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, các dự án loại này dự kiến được hưởng ưu đãi khác như: miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng, giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 09 năm kể từ khi đưa vào vận hành; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng.

Với các dự án điện tự sản xuất, tự tiêu thụ, chính sách khuyến khích đề xuất là: “Tổ chức, cá nhân phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Điều 33 Luật Điện lực”.

Đối với dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK), Dự thảo Nghị định đề xuất loại dự án này được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng khu vực biển khi xây dựng và giảm 50% khoản này trong 12 năm khi vận hành; miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 50%.

Cũng theo Dự thảo Nghị định, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan cho dự án ĐGNK theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Không chỉ mở cơ hội cho nhà đầu tư trong nước, Bộ Công Thương đề xuất nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, tham gia thực hiện đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án ĐGNK với điều kiện: có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước, tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế tối đa 65%; đã triển khai ít nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn nhìn nhận, cơ chế chính sách như Dự thảo Nghị định đề xuất là tương đối thông thoáng và tạm đủ trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, bởi những chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà nhà đầu tư cần đều đã được đề cập như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; ưu đãi về sản lượng điện... “Đây là những điều kiện thiết thực, bảo đảm hài hòa lợi ích của người sử dụng điện, nhà đầu tư và góp phần khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển dự án điện, nhất là dự án điện tái tạo, điện năng lượng mới”, ông Thành nhìn nhận.

Cũng theo ông Thành, chính sách ưu đãi cho các dự án ĐGNK là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển NLTT tại Việt Nam. “Việc quy định nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án ĐGNK phải có sự góp mặt của DN Việt Nam sẽ giúp DN trong nước tham gia vào quá trình phát triển dự án, thúc đẩy nhà đầu tư chuyển giao công nghệ để Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong việc đảm bảo phát triển năng lượng bền vững”, ông Thành nói.

Đại diện Hiệp hội Điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận thì cho rằng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển dự án điện NLTT, năng lượng mới là rất cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng hơn là những chính sách phải đi vào thực tế, thực sự hỗ trợ nhà đầu tư, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm “xuống tiền” đầu tư dự án điện. Hy vọng, nhiều dự án điện mới sẽ được khởi động sau thời gian dài im ắng, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển đất nước trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục