Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều sai sót tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai |
Nghiệm thu ẩu
Đã có một sự thận trọng nhất định khi phải mất đến gần 5 tháng kể từ khi báo cáo kết quả thanh tra được hoàn tất (tháng 10/2015), Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố Kết luận thanh tra chuyên đề về công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên Quốc lộ 1 đối với Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai.
Đây là công trình do Ban quản lý dự án 1 (PMU1 - Bộ Giao thông - Vận tải) là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) là nhà đầu tư với doanh nghiệp dự án là Chi nhánh BOT 319 Sông Phan.
Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp 125,4 km Quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng này có lịch sử khá “truân chuyên”. Được quyết định đầu tư từ năm 2011 bằng nguồn trái phiếu chính phủ, nhưng do không bố trí được vốn, Dự án buộc phải chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư được xác định là 2.085,6 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm Kết luận Thanh tra được công bố (tháng 3/2016), Dự án đã hoàn thành và triển khai thu phí được hơn 1 năm. Theo hợp đồng BOT được ký giữa Bộ GTVT và Tổng công ty 319, nhà đầu tư được sử dụng Trạm thu phí Sông Phan để khai thác thu phí hoàn vốn trong thời gian là 22 năm 7 tháng, tính từ ngày bắt đầu thu phí.
Sai sót đầu tiên được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là việc công bố danh mục Dự án chưa được thực hiện chuẩn chỉ. Cụ thể, tại thời điểm công bố danh mục đầu tư, Bộ GTVT vẫn công bố 2 dự án là Tăng cường mặt đường đoạn Phan Thiết - cuối Bình Thuận và Tăng cường mặt đường đoạn Đồng Nai - Biên Hòa. Tuy nhiên, khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư và phê duyệt dự án, Bộ GTVT lại ghép chung 2 dự án nêu trên thành 1 dự án và giao cho 1 nhà đầu tư thực hiện.
“Việc này làm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá.
Nếu như việc khởi công công trình khi chưa đủ điều kiện (có giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt bản vẽ thi công) là những lỗi có thể châm chước trước sức ép phải triển khai công trình sớm do đoạn tuyến đã bị quá tải, thì những sai sót, dễ dãi trong quá trình nghiệm thu thanh toán của doanh nghiệp dự án đã để lại những hệ lụy lớn cho chất lượng công trình sau này.
Qua rà soát hồ sơ, Thanh tra phát hiện một số đoạn thi công nhựa polime 12,5 chưa được tư vấn giám sát hiện trường nghiệm thu và ký xác nhận tại hồ sơ KCS, nhưng nhà đầu tư đã nghiệm thu và thanh toán. Tương tự, có ít nhất 4 đoạn với chiều dài hơn 2 km dù tư vấn chưa xác nhận, nghiệm thu công tác tưới nhựa dính bám nhưng nhà thầu đã tự ý chuyển giai đoạn.
Theo các chuyên gia, việc thi công không tuân thủ đúng quy trình (tổng giá trị nghiệm thu chưa đủ thủ tục là 8,1 tỷ đồng) này là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hư hỏng hằn lún vệt bánh xe khá trầm trọng tại Dự án. Thống kê của Cục Quản lý đường bộ IV cho thấy, tính đến hết tháng 1/2016, nhà đầu tư đã phải xử lý cào tạo phẳng 11.381 m2 mặt đường bị hằn vệt lớn hơn 2,5 cm; đang phải theo dõi 16.805 m2 hằn vệt nhỏ hơn 2,5 cm.
Lệch pha phương án tài chính
Liên quan tới phương án tài chính, Thanh tra phát hiện đơn vị tư vấn lập dự án và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tính lưu lương xe chưa chính xác với thuyết minh dự án.
Theo thuyết minh dự án thì phân lưu giữa dự án Phan Thiết - Đồng Nai và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 40% và 60%; trong phương án tài chính sử dụng tỷ lệ phân lưu giữa dự án Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 55% và 45%. Như vậy, đang có sự sai khác giữa lưu lượng xe trong thuyết minh dự án với lưu lượng xe trong báo cáo tài chính (sai khác 15%).
Điều đáng nói là, tỷ lệ phân lưu xe trong phương án tài chính được ghi rõ trong Báo cáo kết quả thẩm định số 02/ĐTCT ngày 7/3/2013 của Ban quản lý dự án đối tác công tư, Bộ GTVT. Điều này cho thấy, trong quá trình hoàn chỉnh Dự án theo quyết định phê duyệt, tư vấn đã không cập nhật, điều chỉnh và PMU1 chưa soát xét cẩn thận trong quá trình nghiệm thu.
Theo ghi nhận của đoàn Thanh tra, sau 5 tháng thu phí, doanh thu thu phí thực tế tại Dự án lệch khá xa so với phương án tài chính được phê duyệt. Cụ thể, với doanh thu bán vé trước thuế bình quân thực tế chỉ đạt 13,6 tỷ đồng/tháng, tương đương 163,8 tỷ đồng/năm, dòng tiền tại Dự án đang thiếu mất 24,425 tỷ đồng/năm.
Cần phải nói thêm, thời gian hoàn vốn dự án được chốt là 22 năm 7 tháng, nên ngay cả khi được ký lại phụ lục hợp đồng để kéo dài thêm thời gian thu, bù đắp cho phần thiếu hụt, đây vẫn là rủi ro rất lớn về dòng tiền cho nhà đầu tư.
Thêm một điểm gợn lớn được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chủ dự án đã áp dụng chưa chính xác đơn giá vật liệu nhựa đường. Theo đó, giá nhựa đường theo Thông báo giá của tỉnh Đồng Nai là 15.000 đồng/kg và giá tại Bình Thuận là 15.600 đồng/kg. Tuy nhiên, tư vấn tính toán trong tổng mức đầu tư chung 1 giá nhựa cho toàn bộ dự án theo thông báo giá của tỉnh Bình Thuận (lấy cao hơn) trong khi công trình đi qua địa bàn 2 địa phương. Nếu phân khai chi tiết hơn, thì chi phí xây lắp trong tổng mức đầu tư giảm 19,2 tỷ đồng.
Cùng với việc xử lý, điều chỉnh tổng mức đầu tư, phương án tài chính; giảm trừ quyết toán, Thanh tra yêu cầu Tổng công ty 319 hoàn tất sớm việc hoàn trả cho ngân sách Nhà nước số tiền 9,2 tỷ đồng để thanh toán cho việc lập dự án đầu tư công trình.
“Kết quả thực hiện kiến nghị Thanh tra cần được gửi về Bộ Kế hoạch và đầu tư trước ngày 5/4/2016”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung yêu cầu.