Dự án có sử dụng đất: Nhiều địa phương gặp khó vì vướng mắc pháp lý

(BĐT) - Lãnh đạo nhiều tỉnh cho biết, trong thời gian qua, việc thu hút các dự án đầu tư tại nhiều địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư… và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan. Các vướng mắc này có thể đem đến rủi ro cho nhà đầu tư, dẫn đến chậm trễ trong thực hiện, ảnh hưởng tới hoạt động thu hút đầu tư của địa phương.
Sự xung đột giữa các luật hay tồn tại những cách hiểu khác nhau trong cùng một quy định làm cho địa phương gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện. Ảnh: Tiên Giang
Sự xung đột giữa các luật hay tồn tại những cách hiểu khác nhau trong cùng một quy định làm cho địa phương gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện. Ảnh: Tiên Giang

Các vướng mắc này có thể đem đến rủi ro cho nhà đầu tư, dẫn đến chậm trễ trong thực hiện, ảnh hưởng tới hoạt động thu hút đầu tư của địa phương. 

Mâu thuẫn giữa các luật

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư có sử dụng đất ở địa phương còn nhiều khó khăn vướng mắc do sự không thống nhất, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu.

Ví dụ, Luật Đầu tư quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư (trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí). Tuy nhiên, Luật Nhà ở lại quy định trình tự thủ tục riêng đối với dự án nhà ở. Hay Luật Đầu tư chỉ yêu cầu báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường trong đề xuất dự án, nhưng Luật Bảo vệ môi trường quy định phải phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Khánh chỉ ra thêm, Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư quy định, đối tượng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bao gồm các dự án, công trình thương mại dịch vụ. Điều kiện để đấu thầu là các khu đất này phải thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất hoặc đất do Nhà nước sử dụng, không phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đất đai, các khu đất đầu tư dự án thương mại dịch vụ lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

Lãnh đạo nhiều địa phương cũng cho biết, quy định hiện hành của pháp luật về đất đai chưa bao gồm trường hợp giao đất, cho thuê đất trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Do đó, sau khi đấu thầu không có cơ chế giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu, ảnh hưởng lớn tới hoạt động thu hút đầu tư của địa phương. 

Một quy định hai cách hiểu

Trường hợp khác, theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Luật Đất đai năm 2013 quy định, một trong các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, là dự án sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai không có nội dung quy định cụ thể miễn toàn bộ thời gian hay miễn một số năm thực hiện dự án. Trong khi đó, Luật Đầu tư và các nghị định hướng dẫn thi hành lại quy định việc miễn tiền thuê đất theo hình thức miễn có thời hạn một số năm hoặc miễn cho cả thời hạn thuê đất tùy theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định nêu trên, nhiều địa phương có chung cách hiểu, các dự án đầu tư có sử dụng đất (trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại) thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, đều được miễn tiền thuê đất (có thời hạn một số năm hoặc cả thời hạn thuê đất tùy theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư) theo quy định tại Luật Đất đai thì thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có quan điểm như các địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán lại cho rằng các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện, nếu chỉ được miễn tiền thuê đất một số năm thì phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Chỉ các dự án đầu tư thuộc diện được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong thời gian thuê đất thực hiện dự án mới không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Bộ Tài chính cũng có quan điểm như Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này.

Ngoài vướng mắc nêu trên, theo quy định tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, thì: “không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê”. Như vậy, nếu các dự án đầu tư có sử dụng đất đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà phải đấu giá quyền sử dụng đất cùng với việc không được hưởng chính sách ưu đãi (miễn một số năm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai), sẽ khó thu hút được nhà đầu tư thực hiện các dự án tại các địa bàn khó khăn mà Nhà nước khuyến khích đầu tư.

Tin cùng chuyên mục