Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cơ hội sáng cho doanh nghiệp cơ khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến, chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường trong tháng 2/2025 và khởi công cuối năm nay. Trước đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cùng nhiều dự án hạ tầng lớn khác. Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc triển khai các dự án mở ra nhiều cơ hội, là “cú hích” để doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam vươn lên.
Việc đầu tư xây dựng Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD. Ảnh: NC st
Việc đầu tư xây dựng Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD. Ảnh: NC st

Đầu năm mới Ất Tỵ, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có chuyến khảo sát thực tế Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại vị trí Ga đường sắt Cảng Lạch Huyện (TP. Hải Phòng).

Tại cuộc làm việc, đại diện liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cho biết, theo đề xuất, toàn tuyến đường sắt dài khoảng 400 km với 36 nhà ga, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn qua Hải Phòng gồm tuyến chính dài 46,1 km và 2 tuyến nhánh, chiều dài 20,5 km. Tốc độ thiết kế đoạn tuyến chính 160 km/h; đoạn tuyến nhánh 80 km/h. Tổng vốn đầu tư ước tính hơn 8 tỷ USD.

Việc đầu tư tuyến đường sắt này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics, bảo đảm phát triển bền vững.

Ngày 4/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công dự án trên trong năm 2025; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam nhìn nhận: “Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là dự án giao thông kết nối liên vùng. Khả năng làm chủ Dự án của các DN cơ khí Việt Nam là khá lớn nếu có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp ngay từ đầu”.

Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam phân tích, phần việc xây dựng hạ tầng, cơ hội đối với các nhà thầu trong nước tương đối nhiều, bởi thời gian qua, đội ngũ nhà thầu Việt ngày càng hùng hậu với tay nghề kỹ thuật được nâng cao thông qua việc thực hiện nhiều công trình hạ tầng lớn của đất nước. Với phần đầu máy toa xe, nếu có giải pháp phù hợp thì hoàn toàn có thể nội địa hóa được ít nhất 60%. Tương tự, với phần thiết bị (đường dây điện, ray, máy biến áp…), khả năng nội địa hóa cũng rất lớn.

“Quan trọng hơn cả, nếu làm chủ được dự án này thì những dự án đường sắt liên vùng tương tự khác như Hà Nội - Đồng Đăng; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; TP.HCM - Cần Thơ… dự kiến được đầu tư trong thời gian tới sẽ là cơ hội phát triển đột phá cho nhà thầu Việt”, ông Sáng nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Công ty CP Việt Vương - một trong những doanh nghiệp chuyên cung cấp thép cho các dự án hạ tầng xây dựng lớn cho rằng, chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được thông qua sẽ mở ra cơ hội cho không chỉ các nhà thầu cơ khí trong nước mà còn tạo nguồn công việc dồi dào cho nhiều doanh nghiệp xây lắp cũng như cung cấp hàng hóa. Đồng thời, khi tham gia thực hiện đầu tư các dự án này, các DN sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, việc đầu tư dự án đường sắt có liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ xây dựng hạ tầng cho đến đầu máy toa xe, thiết bị, điều khiển… Nếu DN Việt không có sự chuẩn bị sẵn sàng thì có thể bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển.

“Để biến cơ hội thành hiện thực, dự kiến cuối tháng 2/2025, Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam sẽ phối hợp với một số bộ, ngành, tư vấn và hiệp hội DN liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam… tổ chức một hội thảo với chủ đề về nội địa hóa công nghiệp đường sắt. Trong đó, Hội thảo sẽ phân tích, bóc tách cơ hội, thách thức cụ thể nhằm giúp DN có năng lực tham gia vào các dự án một cách tốt nhất”, ông Sáng chia sẻ.

Liên quan đến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, theo tính toán, việc đầu tư xây dựng Dự án sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm trong quá trình vận hành, khai thác. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, thị trường xây dựng sẽ lên tới trên 98 tỷ USD với hàng triệu việc làm…