Ảnh Internet |
Loanh quanh dự án đất “vàng”
Năm 2016, TP.HCM “điểm mặt” 20 dự án trong diện sẽ thu hồi nhanh nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trong đó có hàng loạt dự án nằm trên đất “vàng” tại Quận 1 như: Saigon One Tower, Lavenue Crown, SJC… Mới đây, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã chỉ đích danh 3 dự án Saigon One Tower, Lavenue Crown, SJC làm “xấu bộ mặt của Thành phố”. Tuy nhiên, dù có xấu đến cỡ nào thì các dự án này vẫn có lý do chính đáng để tồn tại.
Đơn cử, Dự án Lavenue Crown với diện tích trên 4.900 m2 đang có quyết định thanh tra, cuối năm 2017 mới hết thời hạn thuê đất, sau đó Thành phố mới có quyết định cuối cùng. Saigon One Tower hoàn thành khoảng 80% xây dựng nhưng tạm ngưng từ năm 2011 do mâu thuẫn nội bộ nay được Alpha King - nhà đầu tư mới của Dự án - hứa hẹn năm 2018 sẽ đưa tòa nhà vào sử dụng; Dự án SJC được chuyển nhượng 5 lần cũng bất ngờ khởi công vào đầu tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng.
Dự án số 23 Lê Duẩn thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh vào năm 2015 với số tiền đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, được đánh giá là dự án “bỏ giá hớ” nhưng Tân Hoàng Minh đã nộp tiền vào ngân sách sau “tối hậu thư” của TP.HCM vào tháng 12/2016. Sau khi dồn lực nộp tiền thì khả năng tài chính để triển khai dự án vẫn là dấu hỏi đối với Tân Hoàng Minh khi thị trường căn hộ cao cấp của TP.HCM đã trong tình trạng bội cung.
Điểm chung của các dự án đất “vàng” là chủ đầu tư tìm đủ mọi cách lách luật giữ đất (trừ Saigon One Tower), bằng chứng là SJC được chuyển nhượng tới 5 lần, có 2 lần phát sinh lãi 668 tỷ đồng làm tăng vốn Dự án. Nếu như TP.HCM không có động tác “mạnh tay” ấn định thời hạn hoàn thành dự án thì đất “vàng” vẫn cứ chạy lòng vòng từ công ty này sang công ty khác. Đất “vàng” cũng mãi chỉ là bùn khi nhà đầu tư có hàng nghìn lý do để trì hoãn việc thực hiện dự án như chậm bàn giao đất, thị trường bất động sản gặp khó, thay đổi từ mỗi lần chuyển nhượng… Liệu kịch bản có lặp lại với những mảnh đất “vàng” khi chủ đầu tư cứ khởi công rồi để đó?
Dự án “tỷ đô” im ắng
Số phận Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD) chưa có hồi kết khi Emaar Properties PJSC (Dubai) rút khỏi Dự án. Trên danh nghĩa còn lại Bitexco nhưng liệu đơn vị này có đủ khả năng thực hiện Dự án hay không khi “chiếc phao cứu sinh” Emaar Properties PJSC đã ra đi. Như vậy, suốt ¼ thế kỷ người dân khu vực Thanh Đa chờ đợi giải tỏa và nay vẫn tiếp tục chờ.
Nằm trong số dự án “tỷ đô” có thâm niên trên dưới 10 năm, Khu đô thị Đại học Quốc tế thuộc Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM được giao cho Công ty Berjaya (Malaysia) từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư công bố là 3,5 tỷ USD, diện tích 880 ha. Đến nay, thời hạn cam kết 10 năm hoàn thành Dự án chỉ còn đếm từng ngày nhưng Dự án mới chỉ thực hiện được một phần việc rất nhỏ như phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2011, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng vào năm 2013, đền bù giải phóng mặt bằng được trên 100 ha… Sau nhiều lần đốc thúc, tháo gỡ khó khăn nhưng Dự án vẫn không có chuyển biến. TP.HCM cũng ra “tối hậu thư” và ấn định thời hạn năm 2015 thu hồi nhưng đến nay chưa có động tĩnh gì.
Dự án Công viên Safari về tay Tập đoàn Vingroup sau 13 năm treo lơ lửng được xem là trường hợp thành công nhất sau “tối hậu thư” của TP.HCM. 13 năm trước đó, dự án này được công bố mức đầu tư 500 triệu USD nhưng khi về Vingroup thì con số này chắc chắn phải nhiều hơn. Tuy nhiên, Vingroup chưa bao giờ công bố tổng mức đầu tư trong giai đoạn khởi động Dự án. Đây cũng là một trong số hiếm hoi các dự án lớn tại TP.HCM có khả năng đổi vận.
Dư luận cũng đặt nhiều quan tâm đến siêu dự án Củ Chi của Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển với tổng mức đầu tư 65.000 tỷ đồng. Đây cũng là dự án bất động sản lớn nhất cả nước nhưng với người dân TP.HCM thì dự án này là câu chuyện mười năm nữa hãy tính.