Dự án mới có làm vơi khoản nợ nghìn tỷ của Ngọc Linh?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Ngọc Linh đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng chì - kẽm khu vực Phia Đăm - Khuổi Mạn, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ngọc Linh không phải là cái tên xa lạ trong lĩnh vực khoáng sản bởi là Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, tuy nhiên đây cũng là dự án khiến Công ty phát sinh khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Phối cảnh Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn
Phối cảnh Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn

Giải “bài toán” nguyên liệu cho Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn

Theo báo cáo của Công ty TNHH Ngọc Linh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 1812/QĐ-UBND ngày 6/10/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Công ty là nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng chì - kẽm khu vực Phia Đăm - Khuổi Mạn, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Vốn đầu tư sơ bộ của Dự án là 119,894 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của Ngọc Linh gần 36 tỷ đồng và gần 84 tỷ đồng huy động từ nguồn tín dụng. Dự kiến đến quý IV/2024, Ngọc Linh sẽ hoàn thành thủ tục thiết kế, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác mỏ, đất đai. Các hạng mục xây dựng cơ bản dự kiến được khởi công từ quý I/2025, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục có liên quan từ quý I/2025 đến quý I/2026. Công trình dự kiến hoàn thành và thực hiện khai thác khoáng sản từ quý II/2026.

Thời gian hoạt động của Dự án là 18 năm kể từ ngày Công ty được cấp phép khai thác khoáng sản với công suất khai thác 60.000 tấn/năm. Mục tiêu của Dự án là cung cấp nguyên liệu (quặng chì, kẽm) cho Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn.

Được biết, Ngọc Linh chính là Chủ đầu tư Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công suất 30.000 tấn/năm, tọa lạc tại khu đất rộng gần 64,4 ha ở thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Dự án được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có là 180 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Sau 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư của Dự án được nâng lên tới 2.170 tỷ đồng.

Đầu tháng 8/2018, Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn bắt đầu đi vào hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và thiếu nguyên liệu sản xuất vì chưa được cấp mỏ.

Món nợ nghìn tỷ đầu tư vào Nhà máy

Liên quan đến Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, để thực hiện Dự án, Ngọc Linh đã phải huy động một lượng lớn vốn từ BIDV. Được biết, trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, BIDV đã 11 lần rao bán đấu giá khoản nợ của Ngọc Linh. Giá trị khoản nợ được rao bán lần đầu vào cuối tháng 12/2020 gồm hơn 1.110 tỷ đồng và 11,887 triệu USD nợ gốc, hơn 1.019 tỷ đồng nợ lãi và phí phạt. Ở lần đầu rao bán, giá khởi điểm là 2.404 tỷ đồng. Sau 11 lần thông báo đấu giá, BIDV đã giảm giá khởi điểm còn hơn 1.154 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ cũng chính là Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn cùng nhiều tài sản khác.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CICI), tính đến ngày 30/6/2023, Ngọc Linh vẫn phát sinh khoản nợ xấu tại BIDV với giá trị hơn 1.109 tỷ đồng và hơn 11,887 triệu USD (tương đương hơn 282,339 tỷ đồng, tỷ giá Vietcombank ngày 30/6/2023 là 1 USD = 23.750 đồng).

Công ty TNHH Ngọc Linh được thành lập vào cuối năm 1993, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất hoá chất và khai thác, sản xuất, kinh doanh khoáng sản, trụ sở tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1953). Ông Tuấn và bà Trần Thị Vui là những cổ đông sáng lập của Công ty. Hiện Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Tuấn nắm giữ 99,98% cổ phần.

Tin cùng chuyên mục