Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Chạy “nước rút” để về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kế hoạch, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được bàn giao và vận hành thương mại vào cuối năm nay. Để đạt mục tiêu này, chủ đầu tư (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Bên mời thầu (Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) đang gấp rút tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) và triển khai hoàn thiện các hạng mục còn lại. Tuy vậy, áp lực về tiến độ, kiểm soát chi phí là thách thức không nhỏ đối với Chủ đầu tư và các nhà thầu.
Theo PVN, tính đến đầu tháng 5/2022, tiến độ tổng thể của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt trên 93%. Ảnh: NC st
Theo PVN, tính đến đầu tháng 5/2022, tiến độ tổng thể của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt trên 93%. Ảnh: NC st

Theo PVN, tính đến đầu tháng 5/2022, tiến độ tổng thể của Dự án đã đạt trên 93%. Trong đó, công tác mua sắm hoàn thành khoảng 97,32%; thi công xây lắp đã cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt các hạng mục nhà máy chính, đạt khoảng 93,88%... Công tác chạy thử hoàn thành khoảng 40%, một số hạng mục đang chạy thử như lò hơi và các thiết bị phụ trợ, hệ thống phụ trợ tuabin, hệ thống dầu HFO, hệ thống nước làm mát chính… Từ đầu năm đến nay, cả 2 tổ máy đã lần lượt đốt dầu lần đầu và hòa lưới điện.

Tính đến ngày 30/4/2022, giải ngân đạt 84,91% (12.776 tỷ đồng và 1.041,77 triệu USD - tương đương 35.491 tỷ đồng/41.799 tỷ đồng tổng mức đầu tư). Hợp đồng EPC đã giải ngân 94,5% (10.362,4 tỷ đồng và 831,91 triệu USD). Tính riêng giai đoạn từ ngày 23/7/2021 đến nay, giải ngân đạt 739,02 tỷ đồng và 15 triệu USD (tương đương 1.066 tỷ đồng), riêng giải ngân Hợp đồng EPC là 497,75 tỷ đồng và 9,1 triệu USD.

Các hạng mục công việc còn lại của Dự án chủ yếu là phục vụ cho công tác chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than.

Mới đây, 7 kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) đã được phê duyệt gồm các gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở cán bộ công nhân viên vận hành và sửa chữa nhà máy; cung cấp dịch vụ giám định chất lượng, khối lượng than phục vụ chạy thử Dự án... Thời gian tổ chức LCNT là trong quý II và quý III/2022.

Trước đó, trong quý I/2022, 6 kế hoạch LCNT đã được phê duyệt gồm các hạng mục công việc như: thiết kế, lập dự toán và thẩm tra nội thất nhà hành chính và căng tin; cung cấp vật tư, thiết bị dự phòng 2 năm vận hành…

PVN cũng cho biết, hiện có khoảng 30 nhà thầu thực hiện trên công trường Dự án, trong đó 22 nhà thầu trong nước, 4 nhà thầu nước ngoài (Qingdao, SDC, ABB, BWBC), 5 nhà thầu bảo dưỡng thiết bị và khoảng 1.000 - 1.200 kỹ sư, công nhân thi công trực tiếp.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là áp lực đảm bảo các mốc tiến độ hoàn thành Dự án. Đó là đốt than lần đầu cho Tổ máy số 1 và Tổ máy số 2 lần lượt vào ngày 16/6/2022 và 5/8/2022; phát điện thương mại (COD) của 2 tổ máy cách nhau 1 tháng (ngày 30/11/2022 và 31/12/2022); bàn giao Nhà máy vào ngày 31/12/2022.

Trước mắt, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, đó là việc tổ chức đấu thầu lại lần thứ 4 đối với Gói thầu Mua sắm, xây dựng, lắp đặt và chạy thử hai ngăn lộ mở rộng sân phân phối 220kV (38,471 tỷ đồng). Đây là gói thầu gặp khá nhiều gian nan trong việc LCNT, bởi cả ba lần mở thầu trước đó đều không có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu. Ngay cả khi đã chọn được 2/5 nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật như trong lần mở thầu thứ 3, thì tại bước đánh giá về tài chính, cả hai nhà thầu đều không đáp ứng nên phải hủy thầu vào cuối tháng 4/2022. Trong quá trình phát hành, hồ sơ mời thầu liên tục vấp phải kiến nghị của nhà thầu, đề nghị sửa đổi.

Thách thức lớn thứ hai là quản trị cơ cấu nguồn vốn và tổng dự toán trên cơ sở khối lượng công việc, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt (41.799,131 tỷ đồng, điều chỉnh lần 2 vào tháng 10/2016). Trong khi đó, thực tế phát sinh nhiều tình huống như thiết bị đã được lắp đặt và không sử dụng trong thời gian dài, đã hết thời hạn bảo hành phải kiểm tra, bảo dưỡng lại trước khi chạy thử có thể ảnh hưởng đến tiến độ và phát sinh chi phí, thậm chí sẽ phải thay thế thiết bị. Những phát sinh chi phí do chậm tiến độ hay giá cả vật liệu, nhân công và dịch vụ tăng cao, đặc biệt giá thép tăng đột biến và liên tục trong vài năm gần đây, đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm vượt tổng mức đầu tư.

Để vượt qua những thách thức nêu trên, PVN cho biết, Chủ đầu tư và Bên mời thầu đang rà soát thiết kế, đưa ra phương án tối ưu, phân kỳ đầu tư để tiết giảm chi phí. Trong đó, xem xét giảm diện tích bãi thải xỉ, không đầu tư nhà phục vụ chung, kho than 3; cải tạo kho kín thành kho chứa thiết bị; chuyển sang phương án vận chuyển dầu bằng đường bộ; giảm vật tư dự phòng… cũng như tìm giải pháp khắc phục trong công tác LCNT.

Tin cùng chuyên mục