Dự án nhà ở xã hội tại Đồng Tháp: Thêm tiêu chí khó định lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đồng Tháp vừa công bố danh mục Dự án Nhà ở xã hội Bình Thành 1. Trong số các yêu cầu sơ bộ đối với nhà đầu tư, ngoài yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm, nhà đầu tư còn phải đáp ứng một số tiêu chí theo các chuyên gia là khó định lượng, có thể ảnh hưởng tới kết quả đánh giá.
Nhà đầu tư phải đề xuất sơ bộ cách thức triển khai dự án, giải pháp đảm bảo môi trường khi tham gia các dự án có sử dụng đất tại Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Tâm An
Nhà đầu tư phải đề xuất sơ bộ cách thức triển khai dự án, giải pháp đảm bảo môi trường khi tham gia các dự án có sử dụng đất tại Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Tâm An

Dự án Nhà ở xã hội Bình Thành 1, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích 9,93 ha, trong đó quy hoạch nhà ở là 466 căn gồm 66 căn nhà ở thương mại và 400 căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, Dự án còn có một số hạng mục khác như thương mại dịch vụ, trường học, công viên - cây xanh.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 320,795 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tạm tính là 49,5 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án dự kiến là 5 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh các tiêu chí về năng lực tài chính và kinh nghiệm theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, nhà đầu tư còn phải đáp ứng thêm tiêu chí có phương pháp triển khai thực hiện dự án sơ bộ, năng lực triển khai dự án và cam kết thực hiện dự án gồm: cách tiếp cận và phương pháp luận; đề xuất sơ bộ cách thức triển khai dự án (bao gồm sáng kiến cải tiến); giải pháp đảm bảo môi trường và ảnh hưởng đến người dân trong vùng dự án.

Cụ thể, nhà đầu tư phải đánh giá hiệu quả thực hiện Dự án, phân tích các tác động của Dự án đến môi trường và người dân trong khu vực dự án một cách rõ ràng, chi tiết, đầy đủ. Nhà đầu tư phải đề xuất cách thức triển khai thực hiện Dự án đạt hiệu quả cao, rút ngắn thời gian, sớm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Nhà đầu tư có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế ảnh hưởng đến mức tối thiểu đối với môi trường và người dân trong khu vực dự án.

Theo tìm hiểu, từ đầu năm 2020 tới nay, Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Tháp đã công bố danh mục dự án sử dụng đất đối với 3 dự án khác là: Khu dân cư mới phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh; Khu đô thị mới Vĩnh Phước, TP. Sa Đéc; Khu dân cư mới Thuận Phát, phường Hòa Thuận, TP. Cao Lãnh.

Tại 3 dự án này, tỉnh Đồng Tháp đều yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí về cách tiếp cận và phương pháp luận; đề xuất sơ bộ cách thức triển khai dự án (bao gồm sáng kiến cải tiến); giải pháp đảm bảo môi trường và ảnh hưởng đến người dân trong vùng dự án.

Theo lý giải của một cán bộ thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Sở yêu cầu các tiêu chí trên tại nhiều dự án để các nhà đầu tư tỏ rõ thiện chí và mong muốn thực hiện dự án và nộp hồ sơ đăng ký. Cách thức triển khai, giải pháp đảm bảo về môi trường, đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án… đều là các tài liệu mà nhà đầu tư tự xây dựng và chuẩn bị trong hồ sơ. Các tài liệu này không cần được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khi đó, theo một chuyên gia về đấu thầu các dự án sử dụng đất, việc thêm tiêu chí nêu trên chưa phù hợp về khía cạnh minh bạch và tính giải trình. Bởi, theo quy định tại Thông tư 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, cách tiếp cận để xác định sơ bộ nhà đầu tư đạt về năng lực, kinh nghiệm gồm 2 cách: đánh giá theo các tiêu chí lượng hóa được và dùng phương pháp là đạt/không đạt.

Theo vị chuyên gia này, tiêu chí nêu trên tại các dự án sử dụng đất tại Đồng Tháp không định lượng được, không có căn cứ để xác định và giải thích rõ được thế nào là “hữu hiệu”, là “hiệu quả cao”, là “đầy đủ theo quy định hiện hành” (trừ người đánh giá). Do đó, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư theo các tiêu chí này không tường minh và không đảm bảo được tính giải trình.

Tin cùng chuyên mục